Đưa kiến thức pháp luật đến gần chị em

Thứ Ba, 25/02/2025, 17:15 [GMT+7]
In bài này
.

Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, mô hình thiết thực nhằm phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ. Qua đó không chỉ giúp họ hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình mà còn góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội bình đẳng, văn minh.

Tiểu phẩm “Bước qua rào cản” do Hội LHPN huyện Châu Đức thực hiện tại hội thi tuyên truyền phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
Tiểu phẩm “Bước qua rào cản” do Hội LHPN huyện Châu Đức thực hiện tại hội thi tuyên truyền phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Nhiều mô hình hiệu quả

Bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, nhằm đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với phụ nữ, nhiều mô hình hiệu quả đã được triển khai. Trong đó có 233 tổ tư vấn pháp luật tại cơ sở; 405 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; gần 500 CLB “Phòng, chống tệ nạn xã hội”, CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB “Phòng, chống bạo lực gia đình”...

“Phiên tòa giả định” là một trong những mô hình tuyên truyền pháp luật tiêu biểu được tổ chức tại mọt số địa phương vừa qua đã đưa ra những tình huống về phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới... Qua đó giúp hội viên phụ nữ hiểu rõ hơn về hệ thống pháp luật thông qua các vụ án giả lập.

“Lần đầu tiên tôi được tham gia một phiên tòa như này. Qua tình huống thực tế, tôi hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình và những biện pháp bảo vệ bản thân, con cái trước các hành vi, nguy cơ phạm pháp”, bà Trần Thị Thu Hương (phường Long Tâm, TP.Bà Rịa), một hội viên tham dự phiên tòa giả định, chia sẻ.

Tương tự, “Phòng trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại huyện Côn Đảo cũng đã, đang phát huy hiệu quả. Với sự tham gia của 45 thành viên, mô hình giúp những phụ nữ lao động xa nhà an toàn, tránh bị lừa đảo, bạo lực hoặc xâm hại.

Chị Lê Thị Lan, công nhân thuê trọ tại đây nói: “Trước đây, tôi rất lo lắng khi sống một mình tại khu trọ. Nhưng từ khi tham gia mô hình, tôi cảm thấy an toàn hơn rất nhiều vì được hỗ trợ pháp lý và có sự kết nối với chính quyền địa phương”.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ nữ

Không chỉ dừng lại ở những mô hình trên, theo bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng hơn 85 kế hoạch, chương trình tuyên truyền phổ biến pháp luật đến chị em phụ nữ. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới… và những văn bản liên quan đến phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Đơn cử, mới đây, tại huyện Châu Đức, Hội LHPN huyện phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng cho 100 HS các trường THCS, THPT; tuyên truyền “Kỹ năng an toàn cho phụ nữ và trẻ em” cho 150 học viên...

“Nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên phụ nữ là nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua nhiều mô hình sáng tạo, giúp chị em tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng, thực tế hơn”, bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức cho biết.

Bà Lê Thị Hoa chia sẻ, nhờ sự vào cuộc tích cực của Hội LHPN các cấp, hàng ngàn hội viên phụ nữ tỉnh đã có cơ hội tiếp cận kiến thức pháp luật một cách thực tế, từ đó tự tin hơn trong cuộc sống. “Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng những mô hình hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, đặc biệt là các cơ quan tư pháp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp phụ nữ vững vàng hơn trước những thách thức của xã hội”, bà Hoa nhấn mạnh.

Bài, ảnh: THANH HẢI

;
.