Xét xử án, tránh tình trạng "dễ làm, khó bỏ"
Qua công tác kiểm tra, Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án, TAND tỉnh nhận thấy một số tòa án xét xử án hình sự chưa nghiêm, chưa tương xứng mức độ hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, án dân sự và hành chính tồn đọng nhiều, có hiện tượng “dễ làm, khó bỏ”.
TAND huyện Châu Đức xét xử vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào tháng 9/2024. |
Án dân sự tồn đọng nhiều
Năm 2015, vợ chồng ông T. (ngụ huyện Long Đất) nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông L. gần 1.300m2 đất tại xã Long Tân, huyện Long Đất. Quá trình sử dụng, ông T. phát hiện ông H. (chủ đất liền kề) lấn chiếm khoảng 240m2 nên nhiều lần yêu cầu tháo dỡ hàng rào và cây trồng để trả lại đất nhưng không được đáp ứng. Xét xử vụ việc, TAND huyện Long Đất (trước là huyện Đất Đỏ) chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T., buộc ông H. tháo dỡ hàng rào, cây trồng và trả lại 240m2 đất.
Không chấp nhận phán quyết trên, ông H. kháng cáo. Xét hồ sơ, chứng cứ và lời khai của các bên, TAND tỉnh nhận định tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào ranh trên Giấy CNQSDĐ đã cấp cho thửa đất số 287, không căn cứ vào ranh thực tế để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T. là không có căn cứ.
Do đó, HĐXX phúc thẩm có đủ cơ sở để chấp nhận kháng cáo của ông H., tuyên sửa toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Long Đất, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T. đối với ông H. về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất”. Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông H. với việc ông này được sử dụng hợp pháp 240m2 đất.
Theo Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án, TAND tỉnh, năm 2024, TAND 2 cấp của tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt tỷ chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra nhận thấy một số vụ án mà tòa án cấp huyện còn có một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, về án dân sự chưa giải quyết hết các yêu cầu hoặc vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự; thu thập chứng cứ không đầy đủ, thu thập chứng cứ là tài liệu photo. TAND cấp huyện chuyển hồ sơ kháng cáo chậm, không đúng thời gian luật định; viết bản án về hình thức và nội dung không đúng mẫu quy định. Phần quyết định viết dài dòng, khó hiểu dẫn tới khó thi hành. Các vụ án xét xử phúc thẩm bị sửa, hủy án đa phần là do lỗi chủ quan của thẩm phán như: sơ đồ đo vẽ chưa chuẩn, thu thập đánh giá chứng cứ chưa khách quan, chưa đầy đủ…
Đặc biệt, án dân sự còn tồn đọng nhiều, chưa tích cực giải quyết án, có hiện tượng “dễ làm, khó bỏ”. Trong đó, án tồn đọng chủ yếu là tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Có những vụ án thụ lý quá thời gian luật định từ 7-9 năm, thậm chí 10 năm như: TAND huyện Châu Đức án tồn đọng đến năm 2022 là 145 vụ; TAND TP.Bà Rịa tồn đọng 65 vụ. Một số tòa án khác cũng trong trình trạng tồn đọng nhiều, không tích cực giải quyết.
Theo ông Trịnh Hoàng Anh, Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án, TAND tỉnh, về án hình sự có nhiều vụ án mà tòa cấp huyện xét xử chưa nghiêm, chưa tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo như: xử nhẹ cho hưởng án treo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật, áp dụng khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ không đúng. Các lỗi này thường gặp ở những vụ án tổ chức đánh bạc, đánh bạc, vi phạm giao thông đường bộ, gây rối trật tự công cộng.
Một số vụ án tòa tỉnh đã chỉ đạo đường lối hướng xét xử lại nhưng tòa huyện vẫn xét xử không đúng. Các vụ án có tính chất mức độ hành vi phạm tội giống nhau, nhưng thẩm phán xét xử quyết định hình phạt khác nhau, không thống nhất. “Đoàn kiểm tra đã lấy hồ sơ về xem xét trình Chánh án kiến nghị xét xử lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, xét xử lại vụ án để đảm bảo đúng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo và phù hợp với quy định của pháp luật”, ông Hoàng Anh thông tin.
Giải quyết hết án tồn đọng mới giao án mới
Về giải pháp để giải quyết những tồn tại nêu trên, ông Hoàng Anh cho rằng, lãnh đạo tòa án và thẩm phán tòa án nơi có những tồn tại trên cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Thẩm phán nào tái diễn việc xét xử không nghiêm, chưa tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo sẽ kiểm điểm, kỷ luật. Trường hợp cố tình tái diễn thì tạm đình chỉ xét xử. Lãnh đạo tòa án cần tăng cường kiểm tra giám sát việc xét xử các vụ án phải nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo tính chất dăn đe, phòng ngừa tội phạm.
Để giải quyết triệt để việc tồn đọng án dân sự, chánh án các đơn vị phải có kế hoạch cụ thể, phân công án hợp lý theo khả năng của từng thẩm phán, tránh dồn lại cho một số thẩm phán. Thẩm phán khi được phân công nhiệm vụ phải nghiên cứu, có kế hoạch cụ thể cam kết thời gian giải quyết dứt điểm vụ án, tránh tình trạng “dễ làm, khó bỏ”.
Các đơn vị lập danh sách án tồn đọng và cam kết của từng thẩm phán để theo dõi kết quả giải quyết định kỳ hàng tháng, hàng quý để giám sát, kiểm tra báo cáo Chánh án TAND tỉnh xem xét xử lý. “Việc xét xử phải thực hiện đúng phương châm: “đã nói là phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả và đúng cam kết, tránh cam kết rồi bỏ đó”, ông Trịnh Hoàng Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hoàng Anh cho rằng cần tăng cường thẩm phán chuyên trách có kinh nghiệm, giỏi để làm công tác xét xử, vừa làm công tác kiểm tra giám sát án; thành lập tổ kiểm tra giải quyết án, có nhiệm vụ kiểm tra về việc giải quyết án của những thẩm phán để án tồn đọng, để từ đó có hướng xử lý kiểm điểm kỷ luật, trên tinh thần: “phải giải quyết hết án tồn đọng mới giao án mới”.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN