Dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý, nhưng tình trạng mua bán trái phép hóa đơn vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ mua bán hóa đơn bị phát hiện với số tiền vi phạm lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng không những gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh của DN.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Vũng Tàu kiểm tra tại một địa điểm của DN trên đường Ngô Đức Kế có liên quan đến mua bán hóa đơn. Ảnh: TRÍ NHÂN |
Công ty “ma” và hành vi mua bán hóa đơn
Đó là thực trạng đáng lo ngại nhất trong công tác quản lý hiện nay của ngành thuế.
Theo phản ánh của ngành thuế, thời gian qua lợi dụng sự thông thoáng của thủ tục, một bộ phận người nộp thuế (NNT) đã thành lập DN không vì mục đích để sản xuất kinh doanh mà thực hiện hành vi bán hóa đơn khống, thu lợi bất chính.
Bên cạnh đó, một số DN có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng ý thức chấp hành pháp luật chưa cao đã tham gia hoạt động mua, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, giảm số thuế GTGT phải nộp ngân sách Nhà nước, tăng số thuế GTGT được hoàn; sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hoá hàng buôn lậu, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập DN (TNDN) phải nộp NSNN...
Ông Nguyễn Quốc Trang, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Vũng Tàu-Côn Đảo cho biết, qua thực tiễn quản lý thuế, Chi Cục nhận thấy, dấu hiệu để nhận biết các DN “ma” mua bán hóa đơn là: DN không có hoạt động kinh doanh thực tế; lấy tên, địa chỉ hộ kinh doanh đặt tên gây nhầm lẫn với các DN có sẵn đang hoạt động để làm địa chỉ trụ trở DN. Các DN này thường là Công ty TNHH MTV. Người đại diện pháp luật được thuê, không nắm tình hình DN. Người đại diện thường trú hoặc sinh sống tại địa chỉ khác tỉnh với địa chỉ đăng ký DN; đăng ký trụ sở kinh doanh tỉnh này nhưng địa chỉ thông báo thuế lại tỉnh khác. Khi nhận giải trình của cơ quan thuế, người dại diện không lên làm việc mà làm thủ tục tạm ngưng kinh doanh, đổi người đại diện pháp luật, đổi địa chỉ kinh doanh.
Đáng chú ý, DN không có hóa đơn đầu vào nhưng kê khai khống trên tờ khai nhằm tăng số được khấu trừ, làm giảm số thuế phải nộp; xuất hóa đơn số lượng lớn nhưng kê khai ít…
Nhiều giải pháp ngăn chặn mua bán hóa đơn bất hợp pháp
Theo ông Nguyễn Quốc Trang, để phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng mua bán hóa đơn, thời gian qua Chi Cục thuế Vũng Tàu-Côn Đảo đã thường xuyên rà soát, xử lý các trường hợp được hệ thống cảnh báo rủi ro; các trường hợp kê khai chênh lệch doanh thu đầu ra, thuế GTGT đầu vào. Chi cục cũng đưa vào diện kiểm soát đối với các DN có số giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào từ các DN bỏ kinh doanh; DN bị cảnh báo rủi ro cao về thuế và hóa đơn từ các cơ quan thuế khác chuyển tới.
Với những giải pháp trên, từ đầu năm 2023 đến nay, Chi Cục thuế Vũng Tàu-Côn Đảo đã phát hiện 42 NNT có dấu hiệu rủi ro mua bán hóa đơn (trong đó, năm 2024 phát hiện 20 NNT) và đã chuyển qua cơ quan cảnh sát để điều tra hành vi mua bán hóa đơn. Trong đó, đã khởi tố hành vi mua bán hóa đơn của một DN với tổng giá trị hóa đơn 66 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2024 Chi Cục thuế Vũng Tàu-Côn Đảo cũng đã ngăn chặn và từ chối không phát hành hóa đơn đối với 170 DN trong tổng số 800 NNT đăng ký hóa đơn điện tử. Đến nay, các DN đã được cơ quan thuế xác minh không tồn tại tại địa chỉ kinh doanh hoặc chuyển địa điểm kinh doanh ra ngoài khác.
Dù đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên để dẹp nạn mua bán hóa đơn bất hợp pháp hiệu quả hơn, ngành thuế cũng đề nghị, các ngành liên quan rà soát lại điều kiện, thủ tục thành lập DN, trong đó chú ý về địa điểm, điều kiện kinh doanh, vốn, người đại diện pháp luật. Cùng với đó là xây dựng kho cơ sở dữ liệu về hóa đơn của DN đã được cơ quan thuế chuyển cơ quan cảnh sát điều tra. Đặc biệt, cần có cảnh báo chung trong toàn ngành Thuế để công chức thuế có nguồn thông tin đầy đủ, kịp thời trong xử lý công việc…
NHẬT MINH