Những điểm mới về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
Từ ngày 1/1/2025, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024 chính thức có hiệu lực. Luật có nhiều điểm mới, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ...
Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép bị thu giữ trên địa bàn tỉnh. |
Điểm đáng chú ý của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024 là bổ sung nhiều loại súng tự chế vào nhóm được xác định là vũ khí quân dụng, gồm: Súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi, đạn sử dụng cho các loại súng này. Đồng thời, phân định rõ theo mục đích sử dụng.
Chẳng hạn, khi sử dụng những loại súng này vào mục đích săn bắn thì là súng săn; khi sử dụng vào mục đích luyện tập, thi đấu thể thao thì là vũ khí thể thao nhằm đảm bảo phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và là cơ sở pháp lý cho lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
Bên cạnh đó, luật mới cũng xác định linh kiện cơ bản của các loại súng như: thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa cũng được xếp loại là vũ khí quân dụng.
Điều 2 của luật này quy định dao sắc, dao nhọn (dao có tính sát thương cao) sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ thì được xác định là vũ khí thô sơ.
Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không bị coi là vũ khí, nhưng phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao có trách nhiệm cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất khi có yêu cầu của cơ quan công an nơi tổ chức, cá nhân đóng trụ sở, nơi sản xuất, kinh doanh hoặc nơi cư trú để phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự.
PHONG VŨ