.

Những giao lộ được rẽ phải khi đèn đỏ ở Vũng Tàu

Cập nhật: 18:08, 17/11/2024 (GMT+7)

● Coi chừng bị phạt khi dừng trên làn rẽ phải

Tại TP. Vũng Tàu, ngã 5 Lê Hồng Phong, ngã 5 tượng đài dầu khí (cũ), ngã tư Giếng Nước, ngã 3 Nguyễn An Ninh - Nguyễn Thái Học là những điểm khi đèn đỏ, ô tô, xe máy vẫn được rẽ phải.

Tình huống xe máy đi thẳng đứng chờ đèn đỏ dừng ngay trên vạch mắt võng, chặn kín lối rẽ phải. (Ảnh chụp sáng ngày 14/11 tại nút giao đường 2/9 - Nguyễn An Ninh).
Xe máy đi thẳng dừng ngay trên vạch mắt võng, chặn kín lối rẽ phải. (Ảnh chụp sáng ngày 14/11 tại nút giao đường 2/9 - Nguyễn An Ninh).

Cơ quan chức năng đã triển khai kẻ nhiều “vạch mắt võng” và lắp đặt đèn tín hiệu cho phép các phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ. Vì vậy, nếu dừng xe tại “vạch mắt võng” hoặc làn đường rẽ phải, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt.

Tránh dừng xe tại “vạch mắt võng” và làn đường rẽ phải

Tại một số ngã tư, ngã năm ở TP. Vũng Tàu, dù đã có biển báo “Đèn đỏ được rẽ phải” và phân làn rõ ràng, nhiều chủ phương tiện vẫn không biết và dừng xe trên làn này.

Cụ thể các tuyến đường như Thống Nhất, Nguyễn An Ninh, 30/4, Lê Hồng Phong... tình trạng này diễn ra phổ biến. Nhiều phương tiện khi dừng đèn đỏ không tuân thủ việc nhường đường cho các phương tiện rẽ phải, dẫn đến ùn tắc khi các phương tiện phía sau.

Ông Nguyễn Đình Bảo (phường 4, TP. Vũng Tàu), chia sẻ: “Tôi thường xuyên di chuyển qua tuyến Thống Nhất - Nguyễn An Ninh (vòng xoay tượng đài dầu khí cũ), nhưng không ít lần gặp phải tình huống xe máy đi thẳng đứng chờ đèn đỏ trên vạch mắt võng, chặn kín lối rẽ phải. Dù tôi có bấm còi xin đường, nhưng họ cũng không nhường”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tí, công nhân làm việc trong ngành dầu khí ngụ ở phường 5, cũng gặp khó khăn mỗi khi tan ca làm qua ngã tư Giếng Nước (giao giữa đường 30/4, Nguyễn An Ninh và Phạm Hồng Thái). Nhiều người dừng ngay trên làn rẽ phải khi đèn đỏ, gây ùn tắc.

“Tôi mong rằng mỗi người dân khi tham gia giao thông nên chú ý biển báo và hiểu rõ luật để không làm ảnh hưởng đến người khác. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần kiểm tra, nhắc nhở và chấn chỉnh tình trạng này thường xuyên để giảm thiểu ùn tắc”, ông Tí kiến nghị.

Xử phạt khi dừng xe trên “vạch mắt võng”

Cơ quan chức năng đã tiến hành kẻ “vạch mắt võng” màu vàng tại các điểm giao có mật độ phương tiện cao để cảnh báo người tham gia giao thông không dừng xe. Tại ngã năm Nguyễn An Ninh - Thống Nhất và ngã năm Lê Hồng Phong, “vạch mắt võng” được kẻ rõ ràng nhằm nhắc nhở người dân không dừng xe trên các làn rẽ phải.

“Hiện nay, một số người dân điều khiển phương tiện xe máy, ô tô khi thấy đèn đỏ là dừng như một phản xạ, vì thiếu am hiểu và quan sát nên nhiều người dừng trên làn ưu tiên được rẽ phải, vạch mắt võng tại các giao lộ. Trường hợp, nếu có mũi tên màu xanh thì cho phép ô tô và xe máy rẽ phải khi đèn đỏ. Nếu có mũi tên xanh và biểu tượng xe máy thì chỉ có xe máy được phép rẽ phải. Trước mắt, lực lượng CSGT khi phát hiện các trường hợp này thì nhắc nhở, tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết thêm về luật”, Trung tá Vũ Minh Đức, đội CSGT-TT, Công an TP. Vũng Tàu cho biết.

Theo Phụ lục G Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT, vạch mắt võng là vạch kẻ đường được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường được bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông. Vạch mắt võng có thể sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng trong phạm vi nút giao cùng mức, trên nhánh dẫn cửa vào hoặc cửa ra của nút giao hoặc những vị trí mặt đường cần thiết không cho phép dừng xe.

Tại khoản 1 Điều 11, khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Trong đó, hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn. Như đã đề cập ở trên, khi thấy vạch mắt võng, người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn vạch kẻ đường của người điều khiển phương tiện giao thông như sau: Ô tô mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng; Xe máy mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; Máy kéo, xe máy chuyên dùng mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; Xe đạp mức phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 2 tháng đến 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.

Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN

.
.
.