Cấp giấy phép lái xe cho nhóm tuổi 16-18: Nhiều thách thức

Chủ Nhật, 10/11/2024, 15:31 [GMT+7]
In bài này
.

Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) quốc gia vừa đề xuất cho phép nhóm trẻ từ 16-18 tuổi được tham gia kiểm tra lý thuyết và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe. Đây là một đề xuất mang tính đột phá, nhằm tăng cường kỹ năng lái xe an toàn cho lứa tuổi thanh thiếu niên và giảm thiểu rủi ro tai nạn. Tuy nhiên, đề xuất này cũng đặt ra không ít thách thức cho cơ quan quản lý cũng như gia đình và xã hội.

Việc cấp chứng chỉ lái xe ở độ tuổi 16-18 có thể tạo ra sự tự tin vượt ngoài khả năng hiện tại của trẻ. Trong ảnh: Lực lượng CSGT TP.Vũng Tàu xử lý học sinh điều khiển phương tiện xe gắn máy chưa đủ tuổi. (Ảnh minh họa)
Việc cấp chứng chỉ lái xe ở độ tuổi 16-18 có thể tạo ra sự tự tin vượt ngoài khả năng hiện tại của trẻ. Trong ảnh: Lực lượng CSGT TP.Vũng Tàu xử lý học sinh điều khiển phương tiện xe gắn máy chưa đủ tuổi. (Ảnh minh họa)

Xây dựng thói quen từ khi còn trẻ

Việc cho phép nhóm tuổi 16-18 học và thi lý thuyết để có chứng chỉ lái xe mang lại một số lợi ích nhất định. Trước hết, lứa tuổi này là giai đoạn mà thanh thiếu niên đã bắt đầu có nhu cầu di chuyển độc lập và sử dụng các phương tiện cá nhân để phục vụ cho việc học tập hoặc sinh hoạt. Khi có kiến thức lý thuyết và nắm vững quy tắc ATGT, các em sẽ có ý thức tốt hơn trong việc sử dụng phương tiện và giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn.

Bên cạnh đó, việc cung cấp kiến thức sớm cho nhóm tuổi này giúp xây dựng thói quen tôn trọng pháp luật giao thông từ khi còn trẻ. “Một số nghiên cứu cho thấy, việc giáo dục giao thông cho thanh thiếu niên từ sớm có thể ảnh hưởng tích cực đến hành vi lái xe sau này, giúp họ có nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của ATGT”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương cho biết.

Nhiều vấn đề cần đặt ra

Mặc dù ưu điểm là có, nhưng đề xuất này cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực trong việc triển khai và quản lý. Trước hết, phải xác định rõ ràng chứng chỉ này có giá trị pháp lý thế nào, nhất là khi so sánh với giấy phép lái xe dành cho người trưởng thành. Việc cấp chứng chỉ lý thuyết liệu có tạo ra sự hiểu lầm rằng nhóm tuổi này có thể tham gia giao thông độc lập trên các phương tiện cần giấy phép hay không? Đây là một câu hỏi quan trọng để tránh xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật ngoài ý muốn.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo và thi cử cũng cần được chú trọng. Để đảm bảo chất lượng, các cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra các tiêu chí rõ ràng và quy trình nghiêm ngặt, tránh tình trạng chạy theo số lượng mà xem nhẹ yếu tố an toàn.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương cho rằng, ở độ tuổi 16-18, thanh thiếu niên vẫn đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện về mặt tâm lý cũng như thể chất. Các em ở độ tuổi này còn khá bốc đồng và chưa thể kiểm soát tốt về mặt cảm xúc cũng như nhận thức. Do đó, việc cấp chứng chỉ lái xe ở độ tuổi này có thể tạo ra sự tự tin vượt ngoài khả năng hiện tại của trẻ. Trẻ có thể cho rằng mình hoàn toàn đã có thể kiểm soát và xử lý các tình huống khi tham gia giao thông, đây là điều mà ngay cả người lớn có kinh nghiệm lâu năm cũng không thể làm được.

“Như vậy, việc cho phép nhóm trẻ từ 16-18 tuổi được tham gia kiểm tra lý thuyết và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe thật sự là một thách thức, đòi hỏi sự kết hợp giữa giáo dục từ gia đình, nhà trường và sự hỗ trợ giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng”, bà Lan Phương nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Dương Quang Tấn, Phó chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta hiện nay chưa thể tách bạch (có làn đường dành riêng cho các phương tiện cơ giới nhỏ, tốc độ thấp như: xe máy điện, xe đạp điện, xe mô tô dưới 50cc...). Vì vậy, các phương tiện này buộc phải tham gia cùng các tuyến đường, các nút giao với các phương tiện cơ giới. “Người điều khiển các phương tiện nêu trên (thường là các em HS chưa đến 18 tuổi) sẽ được trang bị những kiến thức kỹ năng hoặc kinh nghiệm gì khi cùng tham gia giao thông trên đường, nếu không có quy định chặt chẽ?”, ông Tấn đặt câu hỏi.

Thí điểm ở một số khu vực hoặc trường học

Theo ý kiến của các chuyên gia giao thông, để đề xuất này phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng có thể xem xét triển khai theo hướng thí điểm ở một số khu vực hoặc trường học, từ đó đánh giá kết quả thực tế trước khi mở rộng. Bên cạnh đó, cần tăng cường chương trình giáo dục giao thông trong trường học, giúp HS nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật giao thông và ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông.

Nhóm thanh thiếu niên 16-18 tuổi được điều khiển xe máy điện và xe máy có dung tích dưới 50cc một cách hợp pháp, trong khi nhóm này vẫn thiếu kiến thức và thiếu kỹ năng điều khiển. Luật Trật tự, an toàn giao thông yêu cầu nhóm trẻ này phải hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng điều khiển phương tiện; đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe. Tuy nhiên, thế nào là hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ và có kỹ năng điều khiển xe còn đang bỏ ngỏ. Chính vì vậy nhiều ý kiến của các chuyên gia đang đề xuất cấp chứng chỉ giấy phép lái xe cho trẻ từ 16-18 tuổi.

Ngoài ra, để tránh sự hiểu lầm về giá trị của chứng chỉ này, cần có sự phối hợp thông tin minh bạch và rõ ràng từ các cơ quan truyền thông, nhằm đảm bảo rằng thanh thiếu niên và phụ huynh hiểu rõ ý nghĩa của chứng chỉ là để nâng cao kiến thức, không phải cho phép lái xe độc lập.

Đề xuất cấp chứng chỉ lái xe cho nhóm tuổi 16-18 của Ủy ban ATGT quốc gia là một bước đi đầy sáng tạo và có ý nghĩa. Tuy nhiên, để đề xuất này thành công và mang lại hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt quy định và cơ chế giám sát. Quan trọng hơn hết, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, gia đình và nhà trường sẽ giúp tạo nền tảng vững chắc, hướng đến một môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn cho thế hệ trẻ.

Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN

;
Dona Taxi Tổng đài Taxi 63 Tỉnh Thành Việt Nam
.