ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG ĐÀO TẠO LÁI XE Ô TÔ

Nâng cao chất lượng, giảm tiêu cực

Thứ Hai, 25/11/2024, 06:16 [GMT+7]
In bài này
.

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại như thiết bị giám sát thời gian và quãng đường lái xe (DAT), phần mềm mô phỏng và cabin điện tử không chỉ cải tiến quy trình đào tạo lái xe mà còn giúp nâng cao chất lượng sát hạch, đảm bảo tính minh bạch, công khai.

Học viên tập lái trên cabin điện tử tại Trung tâm dạy nghề lái xe tỉnh  Bà Rịa-Vũng Tàu.
Học viên tập lái trên cabin điện tử tại Trung tâm dạy nghề lái xe tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Học thực tế, học viên tự tin

Anh Nguyễn Minh Quân (ngụ phường 5, TP.Vũng Tàu) vừa nhận giấy phép lái xe (GPLX) hạng B2 một tháng, đã tự tin chở gia đình đi du lịch Đà Lạt mà không gặp trở ngại. Anh chia sẻ: “Quá trình học tôi được rèn luyện đủ từ 710-810km đường trường theo quy định. Thiết bị DAT giám sát khiến cả giáo viên lẫn học viên không thể du di thời gian và quãng đường học. Nhờ đó, khi ra đường tôi không hề bỡ ngỡ, kinh nghiệm chạy đường trường giúp tôi tự tin khi lái xe”.

Chị Nguyễn Thị Hương (ngụ phường 2, TP.Vũng Tàu) vừa hoàn thành phần thi sát hạch, đủ điểm đậu và chờ cấp bằng B1 cho biết: “Nhóm tôi có 5 người đi học thì chỉ có 3 người đậu và chờ cấp bằng, 2 người còn lại phải đăng ký sát hạch lại. Người học tập trung, đi học đều, xử lý nhanh các tình huống trên phần mềm mô phỏng, tập chạy DAT đủ từ 710-810km và khi đã lái xe thực tế tốt thì việc vượt qua kỳ thi sát hạch cũng không mấy khó khăn”.

So với trước đây, chương trình đào tạo lái xe đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, trước đây, học viên chủ yếu tập trung trên sa hình, ít đi đường trường thì nay đòi hỏi phải đủ thời gian thực hành trên đường trường mới được. Hơn nữa, công nghệ giám sát giúp học viên có nhiều cơ hội luyện kỹ năng lái xe thực tế, giáo viên cũng khó can thiệp vào quy trình đào tạo.

Từ năm 2019, Bộ GT-VT đã yêu cầu các trung tâm đào tạo áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát học lý thuyết và thực hành. Các học viên phải hoàn thành đầy đủ thời gian học, số km đường trường mới đủ điều kiện dự thi sát hạch.
Bên cạnh đó, Thông tư số 38 của Bộ GT-VT đã bổ sung các nội dung học mới như xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái trên cabin điện tử. Điều này giúp học viên làm quen với nhiều tình huống thực tế trước khi sát hạch. Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá việc ứng dụng công nghệ là bước đột phá trong cải tiến chất lượng.

 

Xây dựng môi trường giao thông an toàn

Giám đốc một trung tâm đào tạo lái xe ở TP.Bà Rịa nhận xét, việc áp dụng công nghệ đã thay đổi toàn diện quy trình sát hạch. Trên sa hình, thiết bị tự động chấm điểm và hệ thống camera giám sát truyền dữ liệu trực tiếp về Cục Đường bộ Việt Nam. Điều này giảm thiểu sự can thiệp của con người, đảm bảo công khai và chính xác hơn.

Ông Trần Văn Khải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Công ty CP Đạt Phúc) cho rằng, công nghệ không làm khó học viên mà giúp nâng cao kỹ năng và giảm tai nạn giao thông. “Việc sử dụng thiết bị hiện đại giúp đào tạo đội ngũ lái xe có khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy, tránh các nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông. Chất lượng đào tạo lái xe nâng cao rõ rệt. Học viên sau khi được cấp bằng thì rất tự tin cầm lái”, ông Khải nói.

Nhờ thiết bị chấm điểm tự động, tỷ lệ vượt qua kỳ sát hạch giảm từ 80-85% (khi còn thi thủ công) xuống còn khoảng 65-70% tùy từng trung tâm, phản ánh sát thực trình độ của học viên. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng đội ngũ lái xe mà còn hạn chế các tiêu cực trong sát hạch. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ vào đào tạo và sát hạch lái xe vừa đáp ứng yêu cầu thực tế, đồng thời hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng môi trường giao thông an toàn, minh bạch và hiện đại hơn.

Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN

 
;
.