Hình thành văn hóa giao thông từ những điều nhỏ
Văn hóa giao thông và trách nhiệm của người lái xe là những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng môi trường giao thông an toàn và văn minh. Cách ứng xử của người lái xe thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và sẵn sàng hỗ trợ khi có va chạm xảy ra, góp phần giảm thiểu xung đột và tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông (ATGT).
Cán bộ Đội CSGT TP.Bà Rịa tuyên truyền về văn hóa ứng xử và ATGT cho các em học sinh tiểu học tại TP.Bà Rịa. |
Ngày 25/9 vừa qua, tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa đã xảy ra một vụ va chạm giữa hai xe mô tô do ông T.H.Đ. và ông N.V.H. (cùng ngụ xã Hòa Long) điều khiển. Sau sự cố, cả hai đã có lời qua tiếng lại tại hiện trường vì không ai thừa nhận lỗi của mình và cảm thấy bực tức trước lời lẽ thiếu tôn trọng từ phía đối phương.
Chứng kiến vụ việc, ông Lê Văn Oanh (ngụ TP.Bà Rịa) cho biết, nếu không có sự can ngăn kịp thời của người dân xung quanh và lực lượng CSGT, vụ việc có thể đã dẫn đến ẩu đả. "Sự hiện diện của lực lượng CSGT trên đường phố mang đến sự răn đe cho những người có ý định vi phạm, ngăn chặn các hành vi thiếu ý thức làm tổn hại đến sức khỏe và danh dự người khác. Khi có bóng dáng của CSGT, đường phố trật tự và nề nếp hơn”, ông Oanh nói.
Anh Võ Quốc Trung (ngụ TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) cho rằng, văn hóa giao thông bắt đầu từ những hành vi đơn giản nhưng rất quan trọng như: đi đúng làn đường, không vượt đèn đỏ, tuân thủ tốc độ quy định, đỗ xe đúng nơi, đội mũ bảo hiểm khi lái xe và đặc biệt không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia. Ngoài ra, cần tuân thủ hiệu lệnh của CSGT, tín hiệu đèn, biển báo và vạch kẻ đường. "Việc tự giác chấp hành luật giao thông ngay cả khi không có lực lượng tuần tra giúp đảm bảo an toàn cho cả bản thân và cộng đồng. Văn hóa giao thông cũng thể hiện ở việc sẵn sàng giúp đỡ người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em khi tham gia giao thông", anh Trung chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Đảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thanh Đằng (xã Hòa Long), nhiều người có thói quen chạy xe nhanh, vượt ẩu khi vội hoặc trễ giờ. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn, việc không nhượng bộ dễ dẫn đến xô xát. Để thay đổi điều này, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục từ sớm, ngay tại các trường học, trung tâm đào tạo lái xe và gia đình.
"Hàng năm, nhà trường đều mời cán bộ Công an TP.Bà Rịa đến tuyên truyền về ATGT cho HS, đặc biệt nhấn mạnh đến đạo đức ứng xử và văn hóa giao thông. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, hy vọng các em sẽ hình thành thói quen tốt, tuân thủ pháp luật và góp phần xây dựng giao thông an toàn hơn", ông Đảo nhấn mạnh.
Thiết nghĩa, để đảm bảo an toàn và văn minh trong giao thông, trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông cần tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, duy trì kỷ luật và kỷ cương trên đường phố. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền và nhắc nhở các trường hợp lái xe thiếu văn minh, ứng xử chưa chuẩn mực và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người lái xe. Điều quan trọng nhất là mỗi người tham gia giao thông đều cần ý thức rằng hành động và cách ứng xử của mình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chung.
Bài, ảnh: VÕ ĐỨC