Hạn chế phát sinh khiếu nại bồi thường Nhà nước
Thời gian qua, công tác bồi thường của Nhà nước (BTCNN) trên địa bàn tỉnh được tham mưu giải quyết kịp thời nên không phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Đoàn kiểm tra của Cục Bồi thường Nhà nước - Bộ Tư pháp làm việc với Sở Tư pháp, các ngành và địa phương trong tỉnh về thực hiện công tác bồi thường của Nhà nước. |
Ít phát sinh trách nhiệm bồi thường
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, từ ngày 1/7/2018 đến ngày 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp, tổ chức, cá nhân yêu cầu BTCNN. Do đó, không phát sinh yêu cầu xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Cụ thể, năm 2019, TAND tỉnh có 1 bản án về việc khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực xây dựng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, sau đó, TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh có quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án của TAND tỉnh và xác định vụ việc không liên quan đến trách nhiệm BTCNN. Năm 2020, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 5 đơn đề nghị hướng dẫn xác định về thủ tục yêu cầu BTCNN, căn cứ để yêu cầu giải quyết BTCNN.
Từ ngày 1/1/2023 đến ngày 30/7/2024, phát sinh 1 vụ việc yêu cầu về BTCNN trong hoạt động tố tụng dân sự phát sinh theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đến nay, cơ quan chức năng hoàn tất chi trả bồi thường thiệt hại cho cá nhân liên quan. Đồng thời, rà soát, thống nhất các nội dung liên quan trước khi báo cáo hội đồng xem xét về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại trong hoạt động quản lý hành chính.
Báo cáo hàng năm của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh về tình hình và dự báo khả năng phát sinh trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án phát sinh ít. Không phát sinh khiếu nại, tố cáo về yêu cầu BTNN; không phát sinh vụ việc có nguy cơ phát sinh yêu cầu BTCNN phải xử lý thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các cơ quan, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tập huấn nghiệp vụ, biên soạn tờ rơi tuyên truyền, cung cấp tài liệu thông qua hội nghị giao ban, giải đáp khó khăn, vướng mắc giúp cho công chức thực hiện nhiệm vụ và người dân, DN tiếp cận với các nội dung mới của pháp luật về BTCNN. Qua đó, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong thực hiện công vụ của cán bộ, công chức không để các hành vi vi phạm xảy ra dẫn đến BTCNN.
Lĩnh vực khó, đòi hỏi cao về kinh nghiệm
Theo Sở Tư pháp, lĩnh vực pháp luật về trách nhiệm BTCNN khó và liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật chuyên sâu khác nhau, đòi hỏi cao về kinh nghiệm thực tế giải quyết bồi thường, xác minh thiệt hại và thương lượng của người làm công tác BTCNN. Quy định của pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành liên quan như: hành chính, hình sự, đất đai, TN-MT, xây dựng... có nội dung chưa ổn định, còn điều chỉnh, bổ sung nhiều gây khó khăn cho việc theo dõi, tham mưu giải quyết về BTCNN.
Các hoạt động xác minh, giải quyết bồi thường, hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường đòi hỏi phải có sự phối hợp thống nhất ý kiến với các cơ quan, đơn vị có liên quan để đảm bảo tính khả thi, kéo dài thời gian.
Trong khi đó, công chức được phân công phụ trách công tác BTCNN tại các cơ quan, ngành, địa phương phải kiêm nhiệm và gắn với chuyên môn nghiệp vụ là chủ yếu; thường xuyên luân chuyển, nên việc cập nhật quy định pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ tham mưu về bồi thường Nhà nước bị hạn chế nhất định.
Do đó, Sở Tư pháp kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ công chức trực tiếp làm công tác BTCNN để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước, tham mưu giải quyết bồi thường Nhà nước trong thời kỳ mới. Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ công chức chuyên trách công tác BTCNN của địa phương.
Quán triệt và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương hơn nữa trong thực thi công vụ, phòng ngừa, hạn chế tố đa các sai phạm phải BTCNN. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Trách nhiệm BTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp Nhân dân để thực hiện đúng các trình tự, thủ tục về bồi thường khi quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước. Phân công theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết bồi thường, chi trả bồi thường và trách nhiệm hoàn trả theo quy định khi có vụ việc xảy ra. Bên cạnh đó, chủ động dự báo tình hình yêu cầu bồi thường; nghiên cứu đánh giá nội dung công tác BTCNN, từ đó đưa ra đề xuất sửa đổi cho phù hợp thực tiễn.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN