Từ ngày 1/7, Luật Căn cước có hiệu lực, công an toàn tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị để triển khai cấp thẻ căn cước mẫu mới cho công dân một cách nhanh chóng.
Người dân đến làm thủ tục cấp căn cước công dân mẫu mới tại Trung tâm dịch vụ Hành chính công tỉnh. |
Lượng người đi làm căn cước tăng 200%
Hơn 7 giờ sáng 2/7, tại Trung tâm dịch vụ Hành chính công tỉnh, rất nhiều người đến làm căn cước. Người dân được cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội-Công an tỉnh hướng dẫn đăng ký thông tin qua dịch vụ công nên không xảy ra chen lấn. Thủ tục cấp căn cước được thực hiện nhanh chóng.
Bà Vương Thị Thùy M. (48 tuổi, trú tại phường 12, TP.Vũng Tàu) cho biết, bà đến đây làm lại thẻ căn cước, thủ tục thuận lợi, đặc biệt việc thu nhận mống mắt là trường thông tin hoàn toàn mới.
Tương tự, anh Hồ Văn T. (trú tại TP.Bà Rịa) đưa 2 con dưới 14 tuổi tới làm thủ tục cấp thẻ căn cước mới. Anh T. cho biết, các thủ tục được thực hiện rất nhanh chóng. “Tôi chỉ cần cập nhật thông tin online trên VNeID, sau đó đưa con tới thực hiện thu nhận vân tay, chụp ảnh và thu nhận mống mắt. Quá trình này chỉ mất khoảng 10-15 phút nên tiết kiệm thời gian”, anh T. nói.
Trung tá Nguyễn Thùy Dương, Đội trưởng Đội căn cước, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội-Công an tỉnh cho biết, mỗi ngày, tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Phòng tiếp nhận 170 trường hợp; các huyện, thị, thành phố tiếp nhận khoảng 500 trường hợp đến làm căn cước. Lượng người đến cấp căn cước tăng từ 150-200% so với trước đó.
“Đơn vị chuẩn bị điều kiện tốt nhất về con người, trang thiết bị, phần mềm, bảo đảm việc thu nhận, cấp căn cước mới cho công dân diễn ra nhanh chóng, thuận lợi”, Trung tá Dương nói.
Tính bảo mật cao
Đại diện Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội-Công an tỉnh cho biết, thẻ căn cước cấp từ ngày 1/7, gồm 2 loại dành cho đối tượng từ 0 tới 6 tuổi và trên 6 tuổi với một số khác biệt. Khi người dân đi làm thẻ căn cước, công an sẽ lấy dữ liệu sinh trắc học mống mắt, vân tay và ảnh khuôn mặt (từ đủ 6 tuổi trở lên).
Chỉ khi người dân có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước thì mới bắt buộc phải thu thập mống mắt. Đối với căn cước công dân được cấp trước ngày 1/7, có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, người dân vẫn sử dụng bình thường, không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung. Công dân được cấp thẻ căn cước công dân trước 1/7 nếu muốn bổ sung mống mắt thì có thể đến cơ quan công an làm thủ tục cấp thẻ căn cước để đăng ký. Quy trình thu nhận mống mắt tương tự như khi cấp mới.
Theo Trung tá Nguyễn Thùy Dương, thẻ căn cước mới có nhiều ưu việt, tính bảo mật cao, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến bảo đảm chống làm giả. Chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của chính phủ số, xã hội số…
Thời gian qua, Công an tỉnh và các địa phương đã chuẩn bị tốt những điều kiện về trang thiết bị, kỹ thuật cần thiết để cấp thẻ căn cước cho công dân và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Lực lượng công an cũng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, chiến sĩ công an toàn tỉnh.
Đồng thời, tham mưu tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam” trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về tìm hiểu các quy định của pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN