.

Giả danh sĩ quan quân đội để lừa đảo

Cập nhật: 18:08, 25/07/2024 (GMT+7)

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.

Các đối tượng thường sử dụng hình ảnh mặc quân phục quân đội, nhằm tạo lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng thường sử dụng hình ảnh người mặc quân phục, nhằm tạo lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Giả vờ mua hàng để lừa đảo

Ngày 15/7, một người đàn ông gọi điện đến cửa hàng bán vật liệu xây dựng tại KP. Vạn Hạnh, phường Phú Mỹ (TX. Phú Mỹ) xưng là Nguyễn Văn Bình, cán bộ kho hậu cần công tác tại Ban CHQS TX.Phú Mỹ. Đối tượng cho biết, có nhu cầu đặt một số lượng lớn máy móc và máy cắt sắt bằng tay để xây dựng sửa chữa hội trường và nhà ăn của đơn vị. Đồng thời, xin kết bạn zalo với chủ cửa hàng để trao đổi thông tin và gửi giấy ra vào cổng đơn vị.

Trong quá trình trao đổi với đối tượng, chủ cửa hàng cho biết, không có mặt hàng như đối tượng yêu cầu. Vì vậy, đối tượng tên Bình đã móc nối với bên thứ 3 để cung cấp mặt hàng, nhờ đặt hàng dùm với số lượng lớn. Bên thứ 3, yêu cầu đặt cọc khi mua hàng. Lúc này, để tạo niềm tin đối tượng đã gửi nhiều hình ảnh chứng minh mình là người trong quân đội như: hình ảnh mặc áo quân nhân; giấy ra vào cổng đơn vị; hóa đơn mua bán…Nhờ sự cảnh giác cao độ, nên chủ cơ sở kinh doanh này đã kịp thời liên hệ với Ban CHQS TX.Phú Mỹ để xác minh và phát hiện hành vi lừa đảo của đối tượng Bình. Thực tế, Ban CHQS TX.Phú Mỹ không có cán bộ tên Nguyễn Văn Bình, cán bộ hậu cần kho. Đồng thời, đơn vị không có xây dựng sửa chữa hội trường và nhà ăn đơn vị như đối tượng giới thiệu.

Cũng với thủ đoạn trên, trước đó, một chủ nhà hàng ở TP. Vũng Tàu cũng bị đối tượng tự xưng đang công tác tại Ban CHQS TP.Vũng Tàu, đề nghị đặt 7 bàn tiệc để mời khách. Sau khi gửi thông báo giả chuyển tiền đặt cọc, người này cũng nhờ chủ nhà hàng đặt giúp 10 chai rượu ngoại ở đơn vị khác. Liên hệ với bên thứ ba thì họ yêu cầu chuyển khoản 20 triệu đồng để đặt cọc giữ rượu. Do mất cảnh giác, chủ nhà hàng này đã chuyển tiền, sau đó thì bị chặn số điện thoại.

“Sau cuộc gọi đầu tiên, đối tượng chủ động kết bạn zalo với tôi, đồng thời, đặt số lượng hàng lớn và chuyển tiền cọc. Sau đó, đối tượng sẽ hỏi mua thêm một số mặt hàng mà mình không có và móc nối với bên thứ 3 để cung cấp dịch vụ với giá hời. Khi tôi mất bình tĩnh, bị cuốn theo tâm lý của chúng, thì đối tượng sẽ bắt đầu thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, ông N.V.T. nạn nhân cho biết.

Nhận diện các thủ đoạn

Thượng tá Trần Văn Chung, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh chia sẻ, thời gian gần đây, hành vi giả danh cán bộ, chiến sĩ LLVT để lừa đảo diễn ra khá phức tạp. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này rất đa dạng, phức tạp như: Thông qua mạng viễn thông, gọi điện, nhắn tin; qua mạng xã hội Facebook, Zalo…để kết bạn. Các đối tượng thường chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, dịch vụ nấu ăn…tự xưng là cán bộ đang công tác trong quân đội để đặt tiệc, đặt mua các loại sản phẩm.

Tiếp đến, để tạo niềm tin với các nạn nhân, đối tượng sử dụng hình ảnh mang quân phục, hoạt động của bộ đội; mạo danh cơ quan quân đội để làm giả thông tin ra vào cổng các đơn vị… Đồng thời, thực hiện chuyển khoản trước một số tiền cho nạn nhân để đặt cọc, tạo niềm tin và tiến hành nhờ nạn nhân ứng tiền mua giúp một số loại hàng hóa mà cơ sở kinh doanh của nạn nhân không có. Khi nạn nhân không tìm được nguồn hàng để cung ứng, các đối tượng giới thiệu nguồn hàng với lợi nhuận hấp dẫn, dụ dỗ nạn nhân chuyển khoản đặt cọc. Khi nạn nhân tin tưởng, chuyển tiền cọc thì các đối tượng cắt liên hệ, không giao hàng hoặc giao hàng hóa không đúng, có giá trị thấp hơn so với thỏa thuận để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài các thủ đoạn trên, còn có tình trạng một số đối tượng giả danh gọi điện thoại, nhắn tin qua mạng xã hội tự xưng đang công tác tại đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để thu thập thông tin, bán sách hoặc giả danh sĩ quan quân đội hù dọa tống tiền gia đình có con em đang thực hiện nghĩa vụ quân sự; bán thuốc, quảng cáo dịch vụ…

“Thủ đoạn chủ yếu của những đối tượng này là lợi dụng hình ảnh, uy tín của quân đội để tạo dựng lòng tin, lừa đảo người dân. Hành vi giả danh bộ đội để lừa đảo không những gây tâm lý hoang mang cho người dân mà còn ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, uy tín của LLVT tỉnh”, Thượng tá Trần Văn Chung bày tỏ.

Theo Bộ CHQS tỉnh, nguyên nhân của những vụ việc trên là do người dân thiếu cảnh giác, quá tin tưởng và chuyển khoản đặt hàng, giao hàng khi chưa xác thực thông tin. Mặt khác, một số người vì thấy lợi nhuận cao, chấp nhận giao dịch với đối tượng lạ, ứng tiền nhập các loại hàng hóa mà cửa hàng của mình không kinh doanh, dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản.

Để ngăn chặn các hành vi trên, Bộ CHQS tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận được những cuộc gọi của người lạ tự xưng là cán bộ quân đội để đặt hàng, đặt tiệc. Đồng thời, người dân khi nhận được cuộc gọi của người lạ tự xưng là “quân nhân” tại các cơ quan, đơn vị của quân đội cần tìm hiểu và xác minh thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Nếu thấy nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan quân sự, công an gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

Về phía các đơn vị LLVT tỉnh, Bộ CHQS tỉnh cũng đề nghị, nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo mật thông tin cá nhân của cán bộ, chiến sĩ; thông tin về địa chỉ, số điện thoại tiếp công dân để người dân liên hệ, trình báo vụ việc, phòng ngừa vi phạm.

“Bộ CHQS tỉnh cũng sẽ phối hợp với lực lượng công an rà soát, nhận diện âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc lừa đảo theo quy định của pháp luật”, Thượng tá Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

.
.
.