.

Vật nuôi thả rông: Mối hiểm họa về an toàn giao thông

Cập nhật: 16:06, 23/06/2024 (GMT+7)

Tình trạng thả rông gia súc, vật nuôi gây nguy cơ mất an toàn giao thông là nỗi lo với nhiều người đi đường. Cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe.

Chó thả rong đùa dỡn tự do không có chủ quản lý ở Hẻm Hùng Vương, TP. Bà Rịa.
Chó thả rông ở một con hẻm trên đường Hùng Vương, TP.Bà Rịa.

Gặp nạn vì chó thả rông

Ở vùng nông thôn, hầu như nhà nào cũng nuôi 1-2 con chó, thậm chí nhiều hơn để giữ nhà hoặc làm thú cưng. Thay vì quản thúc trong nhà, một số gia đình lại thả rông chó ra đường mặc cho chúng tung tăng chạy nhảy.

Anh Ngô Quốc Dũng, một người dân ở huyện Châu Đức chia sẻ, anh đã nhiều lần chứng kiến cảnh người đi đường “trở tay không kịp” khi đang lái xe thì gặp chó thả rông từ trong nhà lao ra đường, khiến họ té ngã và bị thương.

Theo quy định, chó hoặc vật nuôi ra khi đưa ra nơi công cộng phải có người chăn dắt. Thế nhưng, thực tế nhiều chủ nuôi không chấp hành quy định này, dẫn đến việc gây tai nạn cho người đi đường.

Chứng kiến trường hợp người phụ nữ đi xe máy va chạm với một con bò thả rông trên đường Trần Phú, TP.Bà Rịa, khiến chị này té ngã sưng một bên mặt, má Tám Sao than thở: “Nguy hiểm quá, nuôi bò sao lại thả rông ra đường vậy. Chết người ta sao? Đường sá thành phố mình đẹp như vậy thì mọi người nên có ý thức chứ”, má Tám Sao lắc đầu ngao ngán.

Đã có nhiều sự cố xảy ra từ việc vật nuôi chạy ra đường mà không có người trông giữ. Nhiều trường hợp tai nạn, chủ vật nuôi đã không dám đứng ra nhận trách nhiệm vì sợ phải bồi thường. Thiệt hại cuối cùng vẫn là người tham gia giao thông không may mắn. Bên cạnh đó, tình trạng vật nuôi thả rông phóng uế bừa bãi ra đường phố, công viên cũng làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Để có những cung đường an toàn

Chưa có thống kê cụ thể về số vụ tai nạn do gia súc gây ra, nhưng thời gian qua, nhiều địa phương đã ghi nhận những vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ gia súc thả rông, khiến nhiều người bị thương, thậm chí là chết người.

Luật sư Lê Trọng Ánh, TP.Bà Rịa cho biết, Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định: phạt tiền từ 600 - 800 ngàn đồng đối với hành vi không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật, không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người chăn dắt chó khi ra nơi công cộng. Ngoài ra, Điều 603, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do súc vật của mình gây ra, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc vật nuôi bị người khác chiếm hữu trái luật và do lỗi của người thứ ba. Trong trường hợp vật nuôi làm chết người, có thể áp dụng Điều 128 Bộ luật Hình sự, xử lý chủ về tội “Vô ý làm chết người”, với khung hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.

Chia sẻ về vấn đề an toàn giao thông, anh Nguyễn Sĩ Tốt, chủ trang trại bò tại xã Hòa Long, TP.Bà Rịa, nói: “Chăn nuôi gia súc là điều chính đáng, nhằm phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, người nuôi cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt không thả rông vật nuôi trên các tuyến đường giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, khi đó, sự hối tiếc đã muộn màng”.

Hướng đến những cung đường an toàn giao thông, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, kèm theo đó là chế tài giam nhốt vật nuôi khi vi phạm, yêu cầu chủ nuôi ký cam kết không tái phạm, đồng thời xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: VÕ ĐỨC

.
.
.