.

Bất an với những núi hàng di động trên đường

Cập nhật: 16:33, 09/06/2024 (GMT+7)

Tình trạng xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh vượt quá mức quy định, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông vẫn xuất hiện trên nhiều tuyến đường. Nhiều phương tiện đã cũ kỹ vẫn lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và khiến người dân lo sợ khi phương tiện này đi ngang qua.

Xe tải cũ chở hàng cồng kềnh trên QL51, TP. Bà Rịa.
Xe tải cũ chở hàng cồng kềnh trên QL51, TP. Bà Rịa.

Vì cuộc sống mưu sinh nên phải mạo hiểm

Không khó để bắt gặp những xe tải cũ nát, xe ba gác tự chế chở vật liệu xây dựng, sắt thép hay ve chai cồng kềnh chạy hiên ngang trên đường phố, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Ngày 22/5, trên tuyến QL51 đoạn qua siêu thị Coopmart hướng về TP. Vũng Tàu, phóng viên đã ghi nhận hình ảnh một xe tải khá cũ chở nhiều bao lớn chứa ve chai, chỉ có dây chằng đơn sơ, lao vun vút trên đường. Khi xe di chuyển nhanh, nó tạo ra nhiều rung lắc và tiếng kêu dữ dội, khiến người đi đường hốt hoảng né tránh, thậm chí có người phải lao vào lề và dừng lại để đảm bảo an toàn.

Ngồi uống cafe ven đường và trao đổi cùng anh Tống Huy Danh, anh kể: “Thường ngày, tôi thấy tình trạng xe ba gác máy, xe tự chế, xe tải cũ nát chở hàng cồng kềnh xuất hiện nhiều tại các địa bàn như xã Châu Pha, TX Phú Mỹ; xã Tân Hưng, Phước Hưng, TP. Bà Rịa hay khu vực Long Hải, huyện Long Điền. Chủ yếu là xe chở thuê, buôn bán vật liệu xây dựng, mua bán ve chai, thường do những hộ nghèo hay lao động phương xa đến lập nghiệp.”

Anh Lê Phú Hải (lái xe tại TP. Bà Rịa) tiếp lời: “Chủ hàng luôn cần xe nhỏ để luồn lách trên nhiều tuyến đường, nhưng lại đòi hỏi phải chở được nhiều hàng mới thuê. Buộc chủ phải cơi nới thùng xe, chấp nhận bỏ thêm tiền. Biết là sai nhưng vì cuộc sống nên phải nhắm mắt mà làm. Trừ chi phí, mỗi chuyến chỉ kiếm được từ 50 - 200 ngàn đồng, nên ai cũng phải tranh thủ chạy thật nhanh, chạy được nhiều chuyến mỗi ngày.”

Chứng kiến một xe tải khá cũ đang chất lượng lớn phế liệu như tôn, sắt, vật nhọn và bao tải cao chót vót lên xe tại hẻm đường Mô Xoài, phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa, qua trao đổi với phóng viên, tài xế và cũng là chủ xe cho biết: “Chở thuê cho vựa ve chai tại Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Tôi biết chở hàng cồng kềnh là nguy hiểm và vi phạm luật giao thông. Mỗi chuyến hàng chỉ được 1 - 3 triệu đồng, nhưng đôi khi bị CSGT phạt còn mất tiền nhiều hơn, bị giữ giấy phép lái xe là đói luôn,” tài xế than vãn.

Đẩy mạnh tuyên truyền đi kèm xử phạt

Hiện nay, hầu hết các tuyến đường nội thành trong tỉnh đều cấm xe 3 - 4 bánh tự chế, xe hết hạn sử dụng, nên các phương tiện chủ yếu lưu thông ở các huyện, vùng ven. Cảnh sát giao thông thường xuyên tổ chức tuần tra, xử phạt, trong đó áp dụng hình thức tạm giữ và tổ chức tiêu hủy. Tuy nhiên, do giá xe rẻ (chỉ từ 30 - 80 triệu đồng/chiếc, ô tô cũ thì hơn 100 triệu), có khả năng vận chuyển được nhiều nên người dân vẫn chọn phương tiện này để làm sinh kế.

Theo Trung tá Hoàng Thế Anh, Đội CSGT TP. Bà Rịa: “Xe chở hàng cồng kềnh đã vi phạm. Căn cứ khoản 4, Điều 31 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển. Tại khoản 3, điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt là từ 400 - 600 ngàn đồng. Nếu gây tai nạn thì tùy theo mức độ và lỗi mà bị xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.”

“Để xóa bỏ xe chở hàng cồng kềnh nguy hiểm thật không dễ. Đây là một bài toán khó cho các cơ quan chức năng vì liên quan đến lao động, việc làm, chén cơm manh áo của người dân. Ngoài ra, còn thiệt hại về kinh tế nếu thu giữ và tiêu hủy xe”, Trung tá Hoàng Thế Anh nói thêm.

Đa phần chủ xe ba gác, xe tự chế đều là người có hoàn cảnh khó khăn. Vì cuộc sống mưu sinh nên dù biết nguy hiểm và vi phạm Luật Giao thông, họ vẫn liều mình sử dụng loại phương tiện này. Tuy nhiên, dù bất cứ lý do gì, việc sử dụng xe tự chế không chỉ gây cản trở giao thông, tạo nên hình ảnh nhếch nhác và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, nên cần được dẹp bỏ. Kiên quyết tịch thu, tiêu hủy để tạo hiệu ứng răn đe và xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp của chính quyền cơ sở với lực lượng chức năng để tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ tạo sinh kế để chủ phương tiện có thể chuyển đổi công việc khác phù hợp.

“Về lâu dài, cần nghiên cứu sản xuất các phương tiện vận tải cỡ nhỏ, vừa túi tiền để chở hàng hóa, vật liệu. Phương tiện này cần đi vào được các cung đường hẹp, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của người dân, từ đó sẽ hạn chế được việc sử dụng xe ba bánh tự chế, xe cũ nát chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải như hiện nay”, một chủ xe đã có ý kiến.

Bài, ảnh: VÕ ĐỨC

.
.
.