Giáo dục pháp luật qua phiên tòa lưu động
Lần đầu tiên, 2 vụ án hình sự điển hình về các hành vi vi phạm pháp luật, nổi cộm trong đời sống xã hội được đưa ra xét xử lưu động tại trường học trên địa bàn huyện Châu Đức. Qua đó, giúp giáo dục pháp luật trực quan sinh động đến HS và giáo viên.
Phiên xét xử lưu động tại Trường THCS Châu Đức thu hút đông đảo HS và giáo viên tới dự khán. |
Hàng trăm người dự khán
Chiều 27/5, sân Trường THCS Châu Đức (TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức) trở nên đông đúc bởi có khoảng 750 HS và giáo viên của 17 trường THCS trên toàn huyện tới tham dự phiên tòa lưu động.
Ông Lê Thanh Kính, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức cho biết, sau thời gian bàn bạc và chuẩn bị, ngành GD-ĐT và các cơ quan tố tụng của huyện lên kế hoạch thực hiện buổi xét xử lưu động 2 vụ án: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Giữa tháng 5, Phòng GD-ĐT có văn bản gửi các trường thông tin rộng rãi đến viên chức, người lao động và HS được biết về phiên tòa lưu động để dự khán. Ngày xét xử, các trường thuê xe ô tô chở HS cùng thầy, cô tới Trường THCS Châu Đức để tham dự phiên tòa. Các em HS xếp thành hàng dài, ngồi ngay ngắn, nghiêm túc theo dõi HĐXX làm việc.
Phối hợp tổ chức xét xử, UBND TT.Ngãi Giao cũng tuyên truyền để người dân theo dõi phiên xét xử và cử lực lượng hỗ trợ bảo vệ an ninh trật tự để phiên tòa diễn ra an toàn, đúng quy định.
Giáo dục pháp luật trực quan, sinh động
2 vụ án được chọn đưa ra xét xử có nội dung nổi cộm và tính chất thời sự được mọi người quan tâm. Vụ án thứ nhất, bị cáo không có giấy phép lái xe, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã nhậu say và tự gây tai nạn dẫn đến chết người. Còn vụ án thứ hai, bị cáo phạm tội mua bán trái phép chất ma túy.
Quá trình xét xử, chủ tọa và hội thẩm nhân dân vận dụng các phương pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm để phân tích, giải thích chính sách pháp luật cho bị cáo cũng như tuyên truyền cho HS hiểu rõ các hành vi. Từ đó, giúp HS nhận biết đâu là hành vi vi phạm pháp luật để phòng tránh.
Em Hà Ngọc Linh, HS lớp 6A3, Trường THCS Phan Đình Phùng cho biết, lần đầu tiên em được theo dõi trình tự, thủ tục một phiên tòa. Qua theo dõi phiên xử, giúp em hiểu biết và nâng cao nhận thức về quy định của pháp luật khi tham gia giao thông và tránh xa ma túy, tệ nạn xã hội.
“Hình phạt của HĐXX đối với bị cáo là bài học có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe phòng ngừa tội phạm đối với mọi người. Em cũng học được rất nhiều kinh nghiệm, nhất là việc điều khiển phương tiện phải có giấy phép lái xe, làm chủ tốc độ và đặc biệt không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia”, Linh nói.
Còn em Lưu Quốc Bảo, HS lớp 8A1, Trường THCS Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Theo dõi phiên xử em biết được hình phạt của pháp luật đối với việc mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy rất nghiêm khắc. Em cũng nhận thức được tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó, nêu cao ý thức cảnh giác, tránh xa ma túy và tệ nạn xã hội để cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Ông Đào Đức Thiện, Chánh án TAND huyện Châu Đức cho biết, với mong muốn lan tỏa hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới toàn huyện, TAND huyện Châu Đức lựa chọn 2 vụ án trên để xét xử lưu động. Bởi, đây là những vấn đề thời sự, được toàn xã hội quan tâm. Phiên tòa không chỉ tuyên truyền cho học sinh mà còn cả thầy, cô và phụ huynh về ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, tránh xa ma túy và tệ nạn xã hội.
Theo ông Thiện, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng. Trong đó, học sinh rất dễ vi phạm quy định về an toàn giao thông, thậm chí bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ sử dụng và buôn bán ma túy.
Thời gian tới, ngành GD-ĐT Châu Đức sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều phiên xét xử lưu động không chỉ ở các trường học mà còn tới các địa phương trong toàn huyện. Để HS và cả người dân địa phương có cơ hội được theo dõi trực tiếp phiên tòa nhằm giáo dục pháp luật sinh động và hiệu quả nhất.
(Ông Lê Thanh Kính, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức)
|
“Qua phiên tòa, giúp HS và người dân hiểu rõ hơn về công tác quản lý Nhà nước đối với các chất gây nghiện, thủ đoạn phạm tội. Để thấy được tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giúp phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm ma túy trong học đường nói riêng”, ông Thiện đánh giá.
Tương tự, ông Lê Thanh Kính chia sẻ, phiên xét xử lưu động là hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan và có “cảm xúc” nhất. Không chỉ phát huy hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường mà còn góp phần răn đe các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, giúp giáo viên, HS nhà trường nhận thức được sự nghiêm minh của pháp luật, tự mài giũa ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN