Cảnh báo cháy lan khi đốt cỏ, dọn rẫy
Thời tiết hanh khô kéo dài cùng với việc bất cẩn khi đốt cỏ, dọn rẫy là nguyên nhân khiến nhiều vụ cháy cỏ, cháy lan liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây.
Người dân đốt, dọn rẫy bất cẩn gây cháy lan các rẫy tràm lân cận tại thôn 6, xã Bình Trung, huyện Châu Đức. |
Liên tục xảy ra cháy lan
Vụ việc xảy ra gần đây nhất vào chiều 14/2 khi một người dân đốt dọn rẫy tại thôn 6 (xã Bình Trung, huyện Châu Đức) bất cẩn khiến lửa cháy lan. Xung quanh đám cháy có nhiều rẫy tràm đang khai thác có các lớp cành, lá khô dày khiến lửa bùng phát dữ dội. Đám cháy lan nhanh sang rẫy tràm của các hộ dân lân cận với diện tích khoảng 5.000m2.
Người dân địa phương nhanh chóng làm đường băng cản lửa, ngăn cháy lan. “Nếu chúng tôi không kịp làm đường băng cản lửa, khống chế thì đám cháy đã lan rộng sang các rẫy tràm đang chuẩn bị khai thác xung quanh. Thiệt hại lúc đó sẽ rất lớn”, ông Tân (một người dân) nói.
Trước đó một ngày, khu rẫy ven đường ở thôn Phú Sơn (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) cũng bất ngờ bốc cháy. Trên rẫy có nhiều cỏ khô, cành, lá cây, gặp thời tiết nắng nóng và gió lớn nên đám cháy lan nhanh trên diện rộng. Lực lượng tại chỗ của xã Đá Bạc nhanh chóng triển khai dập lửa. Nhờ vậy, đám cháy được khống chế, dập tắt hoàn toàn và không gây thiệt hại.
Theo Công an huyện Châu Đức, thời tiết nắng nóng kéo dài, cùng với việc đốt cỏ, rác, lá cây ở rẫy có chiều hướng gia tăng, nhất là khu vực xung quanh rừng, làm gia tăng nguy cơ cháy lan, cháy lớn và cháy rừng. Từ ngày 9 đến 15/2, huyện Châu Đức đã xảy ra 4 vụ cháy mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân tự đốt cỏ, rác, lá cây trong khu vực rẫy tại các xã: Đá Bạc, Suối Rao, Bình Giã, Suối Nghệ.
Lực lượng chức năng và người dân địa phương đã kịp thời xử lý nên các vụ cháy không gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, nếu không kịp thời phát hiện và xử lý thì nguy cơ cháy nổ, cháy lan ra các khu vực lân cận gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Thận trọng khi đốt, dọn rẫy
Trung tá Phạm Công Lương, Đội trưởng Đội PCCC và CNCH - Công an huyện Châu Đức cho biết, việc dập lửa ở các đám cháy cỏ trong các khu rẫy rất khó khăn do địa hình đồi, dốc không có đường để xe chứa nước đi vào. Cảnh sát PCCC và CNCH phải cõng từng can nước lên đồi hoặc dùng cành cây để dập lửa. Do đó, khu vực rừng, vườn cây cần được thu dọn sạch các loại cỏ, lá rụng ở trong và xung quanh. Bảo đảm khoảng cách an toàn với cây rừng, cây trồng và đường lưu thông cách xa tàn lửa do người dân hút thuốc ném xuống gây cháy hoặc cháy lan.
Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn PCCC khi đốt cỏ, rác, rẫy vào mùa khô. “Người dân chỉ nên đốt rẫy vào sáng sớm hoặc chiều tối khi có gió nhẹ và đốt ngược hướng gió. Khi đốt, cần chia nhỏ và đập dập các đống đốt, phát dập cỏ không để tơi xốp, cỏ khô tự nhiên gây cháy lớn và cháy lan nhanh khó kiểm soát. Lúc đốt phải có người trông coi và bảo đảm đám cháy phải dập tắt hoàn toàn khi rời đi. Khi xảy ra cháy phải tổ chức chữa cháy ngay khi đám cháy mới phát sinh”, Trung tá Phạm Công Lương hướng dẫn.
Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại tài sản của người khác tùy vào mức độ thiệt hại có thể bị phạt đến 10 triệu đồng.
Về hình sự, hành vi đốt rác, đốt nương, rẫy vô tình làm cháy thiệt hại tài sản của người khác có thể bị truy cứu tội “Vi phạm quy định về PCCC” theo Điều 313, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2-5 năm.
|
Theo Trung tá Phạm Công Lương, các tổ bảo vệ dân phố, tổ dân phòng PCCC cần tổ chức vận động Nhân dân quanh khu vực đốt rẫy ký cam kết thực hiện, chịu trách nhiệm khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Tuần tra, kết hợp kiểm tra để sớm phát hiện những trường hợp cháy nổ hoặc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ nhằm có biện pháp hỗ trợ xử lý kịp thời, nhất vào các ngày hanh khô, nắng nóng. Nghiêm cấm các hoạt động vào rừng đốt ong lấy mật, sử dụng nguồn nhiệt săn bắt thú rừng.
Người dân cần đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi. Các loại rác thải là nguồn nhiệt có nguy cơ phát sinh cháy như than tổ ong, than hoa, tro vàng mã còn tàn lửa… cần được tưới nước để dập tắt hoàn toàn, không còn nguồn nhiệt có thể gây cháy tại nơi tập kết rác. Khi phát hiện hành vi đốt cỏ, đốt rác tự phát, người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương gần nhất. Kịp thời báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số điện thoại 114 hoặc ứng dụng báo cháy 114 khi thấy cháy.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN