Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đồng hành bảo đảm an toàn giao thông
Đó là mô hình dân vận khéo được Công an TP.Vũng Tàu triển khai thực hiện từ ngày 8/12 nhằm thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về an toàn giao thông, tạo thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Công an TP.Vũng Tàu và các cơ sở kinh doanh ăn uống, DN vận tải hành khách ký giao ước thi đua thực hiện mô hình dân vận khéo “Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đồng hành bảo đảm ATGT”. |
Công an TP.Vũng Tàu cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 80 công ty lớn nhỏ kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa, với số nhân viên, tài xế hơn 600 người; khoảng 370 nhà hàng, quán nhậu với quy mô phục vụ hơn 15 ngàn người.
Do đó, việc triển khai mô hình dân vận khéo “Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đồng hành bảo đảm ATGT” nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của tài xế. Đồng thời tranh thủ sự phối hợp của chủ nhà hàng, quán ăn trong nhắc nhở khách hàng đến ăn, uống chấp hành nghiêm quy định không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.
Ông Nguyễn Xuân Tạc, Quản lý Nhà hàng Ngọc Tước (TP.Vũng Tàu) cho biết, mô hình trên rất có ý nghĩa, góp phần phòng ngừa TNGT nên nhà hàng tích cực hưởng ứng.
Hiện nay, ngoài chấp hành nghiêm quy định của pháp luật giao thông đường bộ, đặc biệt là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” nhà hàng có số điện thoại công an phường, xã, đường dây nóng Công an TP.Vũng Tàu, hãng taxi, tổ chức cá nhân có dịch vụ đưa đón người để cung cấp cho khách hàng. Đặc biệt, bảo vệ nhà hàng sắp xếp xe khách đúng nơi quy định, không lấn chiếm lòng, lề đường và luôn sẵn có bia không độ cho thực khách.
“Khi khách đã sử dụng rượu bia, chúng tôi nhẹ nhàng nhắc nhở không điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, giúp gọi người thân hoặc taxi đưa khách về nhà an toàn”, ông Nguyễn Xuân Tạc cho biết.
Theo bà Đặng Thị Thuỷ, Phó Giám đốc Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu, công ty không đưa vào sử dụng xe hết niên hạn sử dụng hoặc xe hết kiểm định và nghiêm cấm lái xe không uống rượu, bia, sử dụng các chất kích thích tham gia giao thông đường bộ.
Công ty cũng chấp hành quy định về trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và cơ sở kinh doanh. Đồng thời thực hiện đúng quy định về dịch vụ kinh doanh vận chuyển hành khách, thông báo các trường hợp taxi dù cho cơ quan công an. Thậm chí còn thường xuyên bố trí phương tiện gần các cơ sở dịch vụ có người sử dụng bia rượu, sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu.
Thượng tá Trần Việt Trung, Phó Trưởng Công an TP.Vũng Tàu cho biết, trong các nguyên nhân dẫn đến TNGT gây tử vong về người có nguyên nhân do rượu bia. Hiện nay, chế tài xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn rất nghiêm khắc. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, lực lượng chức năng sẽ gửi văn bản đến tổ chức, đơn vị nơi công chức, viên chức, đảng viên công tác để tiếp tục xử lý theo quy định.
Mô hình dân vận khéo “Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đồng hành bảo đảm ATGT” thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, DN cùng chung tay thay đổi nếp văn hóa bia rượu và văn hóa giao thông.
Với mục đích lấy sự an toàn của người dân làm trung tâm, cơ quan chức năng tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT nói chung và nồng độ cồn nói riêng. Đồng thời, tạo thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Qua đó, khắc phục triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, thiết lập trật tự kỷ cương, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng thành công “TP.Vũng Tàu an toàn giao thông”, Thượng tá Trần Việt Trung nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN