Ngăn chặn tội phạm ở thanh thiếu niên

Thứ Tư, 25/10/2023, 19:03 [GMT+7]
In bài này
.

Vụ con trai 14 tuổi bỏ chất độc vào sữa làm cha và bà nội chết vừa xảy ra tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên với hình thức ngày càng mạnh động, nguy hiểm. 

Việc tích cực tham gia hoạt động xã hội sẽ giúp các em nhỏ tránh tiếp xúc với điện thoại, game bạo lực. Trong ảnh: HS tham gia hóa học làm chiến sĩ công an tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh.
Việc tham gia hoạt động xã hội sẽ giúp các em nhỏ hướng tới lối sống tích cực. 
Trong ảnh: HS tham gia khóa học làm chiến sĩ công an tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty tư vấn và trị liệu tâm lý Châu Á - ASIA MCC để làm rõ nguyên nhân và giải pháp ngăn ngừa tình trạng này.

- Phóng viên: Theo bà, nguyên nhân xảy ra một số vụ án đau lòng mà thủ phạm còn ở tuổi vị thành niên là gì?

- Chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên như: hậu quả của nghiện game bạo lực hoặc do bị hành hạ, bức ép lâu ngày mà ra… Dù là nguyên nhân nào thì đó cũng là hậu quả của một quá trình tâm lý hình thành và phát triển sai lệch lâu ngày, không được hướng dẫn, không được giải tỏa và không được quan tâm chữa lành, dẫn đến suy nghĩ và hành vi sai lệch, phạm tội của trẻ.

Đầu tiên đó là ảnh hưởng của phát triển tâm sinh lý lứa tuổi đến các hành vi xấu, phạm tội từ khi còn ở lứa tuổi thanh thiếu niên cho đến khi trưởng thành.

Theo góc độ tâm lý học, lứa tuổi thanh thiếu niên có sự chuyển biến thay đổi mạnh về tâm sinh lý, người ta gọi là “khủng hoảng bản sắc của tuổi thanh thiếu niên”. Mâu thuẫn giữa năng lực, nhận thức của bản thân với nhu cầu được khẳng định và công nhận cái tôi trong mọi mối quan hệ. Nhu cầu được công nhận là người lớn làm cho diễn biến tâm lý của lứa tuổi này rất phức tạp và khó nắm bắt. Thậm chí, khi thực hiện hành vi phạm tội, các em không suy nghĩ nhiều và còn cảm thấy "rất oai, rất đáng tự hào với bạn bè".

Loại khủng hoảng này xảy ra ở giai đoạn cuối tuổi thanh thiếu niên. Các em không vượt qua được giai đoạn này sẽ là điều bất lợi khi đến tuổi trưởng thành. Biểu hiện thường thấy là những hành vi bất thường như: bỏ nhà đi, lo lắng, trầm cảm, bất bình cha mẹ và với nhà chức trách, manh động, gây rối, phạm pháp, thất bại học tập.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ án do trẻ vị thành niên gây ra với hành vi manh động và liều lĩnh. Đơn cử, ngày 22/6, Công an huyện Long Điền đã khởi tố, bắt tạm giam T.N.H., Đ.N.C., T.T.N. và H.T.K. để điều tra về hành vi cướp tài sản. Các đối tượng sinh năm 2007, 2008, nhưng thủ đoạn gây án rất manh động, lợi dụng đêm tối, sử dụng dao và bình xịt hơi cay để cướp tài của nhiều người đi đường.

Trước đó, vào đầu tháng 2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đất Đỏ cũng bắt 5 đối tượng để điều tra về hành vi “cướp tài sản”. Đối tượng nhỏ nhất trong vụ án mới 15 tuổi. Tại cơ quan công an, H.G.B. (15 tuổi, sống lang thang) khai nhận, khoảng 2 giờ sáng 31/1, B. cùng V.M.T. (22 tuổi), N.T.Đ. (17 tuổi), Đ.T.H. (18 tuổi, cùng trú tại TT.Long Hải, huyện Long Điền) và T.Q.H. (18 tuổi, trú tại TP.Bà Rịa) hẹn nhau đến nơi ở của thanh niên tên T. tại TT.Đất Đỏ để giải quyết mâu thuẫn.

Khi đến nơi, nhóm này yêu cầu T. lên xe chở đi chơi. T. không đồng ý nên bị nhóm dùng tay và nón bảo hiểm đánh nhưng T. chạy thoát. Nhóm này lấy điện thoại Iphone 11 Pro max cùng xe máy hiệu Vision của T., sau đó mang điện thoại vừa chiếm đoạt đi bán lấy 2 triệu đồng cùng nhau tiêu xài, còn chiếc xe Honda Vision thì bỏ lại ở một quán cà phê tại TT.Long Hải.

Một số thanh thiếu niên có thể gia nhập băng nhóm và kéo theo là hành vi phạm tội nghiêm trọng. Đỉnh điểm của việc không xác định được vai trò và vị trí của mình trong gia đình và xã hội, nhận thức sai lệch bị dồn nén và hình thành trong thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ hình thành suy nghĩ tiêu cực, thực hiện một số hành động mất kiểm soát.

* Bên cạnh sự thay đổi mạnh về tâm, sinh lý lứa tuổi thanh thiếu niên, còn có nguyên nhân nào dẫn đến hành vi phạm tội như trên, thưa bà?

- Có thể kể đến nguyên nhân chính là do trẻ ngày càng bị cô đơn ngay chính trong ngôi nhà mình. Cha mẹ ít có thời gian gần gũi, trẻ chơi game nhiều hơn, tìm vui ở các tiện ích trên mạng Internet nên dễ bị vô cảm, sống ích kỷ hơn và đặc biệt là thiếu kỹ năng xây dựng tình bạn. Từ đó, trẻ dễ gây gổ đánh nhau và hơn hết là hung hăng với bè bạn. Hơn nữa, trường học còn quá coi trọng truyền đạt kiến thức mà quên đi việc dạy trẻ về nhân cách và tình yêu thương.

Người lớn trong gia đình không nắm được đặc điểm diễn biến tâm lý của trẻ qua từng giai đoạn. Vì vậy, phương pháp quản lý, giáo dục trẻ chưa phù hợp, thiếu quan tâm mà để các em tự do tiếp xúc với bạn bè xấu, bỏ nhà hoặc quá được nuông chiều, được đáp ứng mọi nhu cầu, đòi hỏi phi lý, dung túng lối sống ích kỷ, hẹp hòi. Thậm chí, trẻ còn dễ dàng tiếp xúc với phim ảnh đồi trụy, bạo lực mà người lớn không biết hoặc không có biện pháp giáo dục, ngăn chặn kịp thời.

Về góc độ tâm lý học, yếu tố môi trường cũng góp phần ảnh hưởng, trong đó có cách các em được nuôi lớn. Trẻ chứng kiến càng nhiều hành vi hung hăng bao nhiêu thì càng có khả năng tin rằng các hành vi hung hăng và thái độ thù địch, tiêu cực đó được đông đảo xã hội chấp nhận.

Sai lầm trong giáo dục và nuôi dạy con cái trong thời gian dài, hình thành những suy nghĩ và hành vi tiêu cực ở trẻ, đó cũng là sự hình thành căn bệnh trầm cảm ở mức độ nặng nề. Hậu quả để giải thoát cho chính mình ra khỏi sự ngột ngạt tiêu cực đó là trẻ tự tử hoặc có hành vi phạm tội nghiêm trọng.

* Biện pháp nào giúp ngăn ngừa tình trạng trên, thưa bà?

- Thanh thiếu niên phạm tội tập trung vào lứa tuổi từ cấp THCS trở lên và nhiều nhất là ở lứa tuổi cuối THPT và ĐH. Đây là thời điểm các bạn trẻ có những thay đổi tâm lý, tính khí bốc đồng và cũng bị vướng nhiều cám dỗ hơn. Giai đoạn này, gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm, chia sẻ với trẻ.

Việc nhận ra những điểm khác thường của trẻ là rất quan trọng. Nếu thấy con mình hay đóng cửa phòng một cách bí mật, gọi điện thoại, một số hành động lạ nhiều hơn bình thường, phụ huynh cần quan tâm, theo dõi. Với lứa tuổi 14-16, phụ huynh cần phải biết con mình chơi với ai, chơi như thế nào để có định hướng cần thiết. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc phim ảnh, trò chơi bạo lực trên game online,

Cha mẹ cũng nên dành thời gian trò chuyện, lắng nghe con mình. Hãy là chỗ dựa đúng nghĩa của con, để giúp trẻ có một lá chắn vững vàng, bản lĩnh, phát triển tâm sinh lý phù hợp, ổn định từ khi con bé cho đến lúc trưởng thành. Đó chính là biện pháp tốt nhất để con tránh khỏi suy nghĩ và hành vi sai lệch dẫn đến những hậu quả đau lòng.

* Xin cảm ơn bà!

TRÍ NHÂN

(Thực hiện)

;
.