Cẩn thận 'bà hỏa'
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt, hiểm họa cháy nổ dễ xảy ra ở loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP.Vũng Tàu hướng dẫn người dân có nhà ở kết hợp kinh doanh sử dụng bình cứu hoả tại chỗ. |
Thiệt hại lớn về người
Dù đang là mùa mưa nhưng hơn 1 tuần qua nhiều vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương. Điển hình, khoảng 18 giờ 15 phút ngày 31/8, tại trước nhà làm nơi sửa xe của anh T.V.H (đường Hải Thượng Lãn Ông, thôn Xuân Tài, xã Phong Nẫm, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) xảy ra cháy. Thời điểm này trời mưa to, gió lớn cùng với có nhiều vật dụng dễ cháy nên ngọn lửa nhanh chóng lan mạnh. Lúc này, anh H. đứng gần cửa nên kịp chạy thoát ra ngoài, còn lại vợ là chị P.T.B.T (SN 1991) cùng 2 con trai là T.Q.A (SN 2014) và T.Q.T (SN 2020) đang ở sau nhà, bị kẹt không thoát ra được. Khi lực lượng cứu hộ tiếp cận phát hiện 3 mẹ con chị T. nằm trong nhà vệ sinh, đã nhanh chóng đưa ra ngoài và chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, chị T. và 2 con đã tử vong sau đó.
Chứng kiến sự việc, anh Ng.H.Đ. (SN 1988) là hàng xóm cùng một số người dân hỗ trợ lao vào cứu ba mẹ con chị T. Tuy nhiên, anh Đ. không may bị điện giật tử vong.
Cách đó 3 ngày, một vụ cháy khác cũng xảy ra khiến 2 người chết. Cụ thể, khoảng 7 giờ sáng 29/8, tại nhà dân kết hợp cho thuê trên đường Mạc Thiên Tích (phường 11, Quận 5, TP.Hồ Chí Minh) bùng lên một đám cháy. Phát hiện vụ việc, người dân hô hoán nhau tìm cách dập lửa nhưng bất thành. Lửa và khói lan rộng bao trùm căn nhà. Đến 7 giờ 20 cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Lực lượng chức năng sau đó tìm thấy 2 thi thể nạn nhân bên trong căn nhà bị cháy.
Chủ động phòng ngừa
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian gần đây chưa ghi nhận vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, lực lượng Cảnh sát PCCC từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ các giải pháp để chủ động xử lý tình huống cháy nổ có thể xảy ra.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết, để bảo đảm an toàn cho hộ gia đình, nhà ở, khu dân cư, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh và công an các địa phương phối hợp ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật về PCCC cho người dân. Qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ. Bên cạnh đó, các địa phương còn xây dựng mô hình về PCCC như: “Tổ liên gia an toàn PCCC” ; phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”…
Theo Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh, nhà ở kết hợp kinh doanh luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục thực hiện kiểm tra, kết hợp tuyên truyền và hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn PCCC và khắc phục những thiếu sót, vi phạm về PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị. Vận động các hộ gia đình hoặc những trường hợp sử dụng nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh có lồng sắt (chuồng cọp) thực hiện việc tháo dỡ hoặc mở lối thoát nạn thứ hai…
Đồng thời tiếp tục phối hợp với chính quyền các khu phố, tổ dân phố để lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật về PCCC vào các buổi sinh hoạt khu phố, tổ dân phố, qua các trang mạng điện tử hoặc phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức những buổi tuyên truyền (vào buổi tối) theo từng lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể, yêu cầu các chủ cơ sở và người dân tham gia.
Thường xuyên huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC tại chỗ, nhất là chú trọng huấn luyện kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ; kỹ năng thoát nạn; kỹ năng sử dụng các phương tiện PCCC, nhất là các phương tiện chữa cháy ban đầu.
Bài, ảnh: PHƯỚC AN