Trợ giúp pháp lý-Những câu chuyện vui buồn

Thứ Hai, 07/08/2023, 19:35 [GMT+7]
In bài này
.

Ít người, công việc cả “núi” nhưng Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh) luôn tận tình giải đáp và trợ giúp mọi vấn đề pháp lý cho người dân. Phía sau công việc này, ngoài niềm vui, đọng lại trong họ còn là nỗi niềm, trăn trở với các hoàn cảnh đáng thương.

Bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý cho một bị cáo tại phiên xử của TAND TP. Bà Rịa.
Bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý cho một bị cáo tại phiên xử của TAND TP. Bà Rịa.

Xử lý tận gốc vụ việc

Phải hẹn rất nhiều lần, PV mới gặp được bà Hồ Thị Hoa, Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh trước khi bà vào buổi tư vấn pháp luật tại Trung tâm này. “Ngoài tư vấn pháp luật ở cơ quan, trợ giúp pháp lý và đại diện ngoài tố tụng, tôi còn đi truyền thông tư vấn pháp luật tại 52 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh nên lịch công tác lúc nào cũng kín”, bà Hoa chia sẻ.

Về công tác tại trung tâm từ năm 2004, bà Hoa không nhớ hết bao nhiêu trường hợp được mình giúp đỡ, tư vấn pháp luật. Theo bà Hoa, TGVPL phải phân tích, trả lời kỹ từng vụ việc để người dân hiểu. Với những vụ việc phức tạp, cần xác minh, TGVPL sẽ nhận hồ sơ về để nghiên cứu, xử lý. “Công việc nhiều, giải quyết tại cơ quan chưa hết tôi phải mang hồ sơ về nhà để buổi đêm đọc. Thậm chí vào thứ bảy và chủ nhật cũng phải làm thêm mới giải quyết được hết việc cho người dân”, bà Hoa chỉ vào tập hồ sơ dày cộp nói.

Cuộc nói chuyện của PV với bà Hoa thường xuyên bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của người dân gọi đến nhờ trợ giúp pháp lý. “Người dân biết và tin tưởng nên gọi tới. Chỉ cần bớt thời gian 3-5 phút để nghe điện thoại và giải đáp, giúp đỡ được họ thì mình cũng thấy vui”, bà Hoa nói.

Bà Hoa cho biết, quy định trung tâm chỉ trợ giúp đúng đối tượng được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, nhiều người không phải đối tượng, lặn lội đường xa tìm đến tận trung tâm nên TGVPL cũng sẽ nhiệt tình hỗ trợ, giải đáp. Có trường hợp thắc mắc về mức trợ cấp cho người khuyết tật hưởng chế độ xã hội, TGVPL bên cạnh nêu ra quy định pháp luật đối với trường hợp cụ thể, còn phải liên hệ cán bộ phụ trách công tác xã hội của xã cùng tới giải thích, xử lý vụ việc cho người dân.  

Trăn trở với từng hoàn cảnh yếu thế

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh thực hiện chính trong công tác truyền thông TGPL và tham gia tố tụng. Trung tâm hiện chỉ có 3 TGVPL, trong khi đó vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển về ngày càng tăng nên phải kí hợp đồng với 13 luật sư của Liên đoàn Luật sư tỉnh để thực hiện TGPL cho người dân. Trung bình mỗi năm trung tâm thụ lý hơn 200 vụ tố tụng. 

Hàng chục năm làm công tác TGPL, bà Thúy luôn trăn trở với những hoàn cảnh, vụ việc mình trợ giúp, nhất là các vụ xâm hại tình dục trẻ vị thành niên, thanh thiếu niên phạm tội hay  hoàn cảnh đáng thương. Mới đây, bà Thuý trợ giúp pháp lý cho H. (15 tuổi) ngụ huyện Đất Đỏ. Cha mẹ ly hôn, H. khi thì ở cha, khi thì sang nhà ở với mẹ và bố dượng. Thậm chí, giận mọi người H. bỏ nhà đi “bụi”, rồi về nhà T. (người yêu H.) sống chung như vợ chồng. H và T. phát sinh quan hệ tình dục rồi có con. Hai gia đình phát hiện vụ việc và chấp nhận kết tình thông gia. Tuy nhiên, trong một cuộc nhậu, hai ông “sui” phát sinh mâu thuẫn, vụ việc H. bị xâm hại bị tố cáo tới công an. Lúc tòa đưa vụ án ra xét xử, con của H. mới 7 tháng tuổi.

“Gia đình chồng nghèo, H. chưa đến tuổi lao động nên không biết bám víu vào đâu để nuôi con. Nhiệm vụ TGVPL phải bảo vệ cho H. nhưng trường hợp này tôi cũng phải xin HĐXX giảm nhẹ án phạt cho bị cáo T. để còn sớm trở lại xã hội, kiếm việc làm nuôi mẹ con H.”, bà Thúy tâm sự.

Từ năm 2021- 2022, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh thụ lý 1014 vụ, việc. Trong đó tư vấn 237 vụ, việc, tham gia tố tụng 763 vụ, việc, đại diện ngoài tố tụng 14 vụ, việc. Hoàn thành 505 vụ việc/505 lượt người. 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý 452 vụ, việc. Tiến hành thẩm định và đánh giá chất lượng vụ, việc TGPL đảm bảo theo đúng yêu cầu Thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp, kết quả cho thấy 100% các vụ, việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng đều đạt chất lượng tốt theo các tiêu chí đề ra.

Theo bà Thúy, địa bàn huyện Đất Đỏ và Long Điền thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ thanh thiếu niên tụ tập gây rối, xâm hại trẻ em. Nguyên nhân do gia đình không quan tâm, bố mẹ lo làm ăn hoặc ly hôn và một phần do tác động xấu của mạng xã hội. Các em ở độ tuổi, tâm lý dễ nổi loạn, kích động, gặp bạn xấu rủ rê dẫn đến con đường phạm tội. Cảm thông với những thân phận pháp lý đáng thương, tại các phiên tòa, bà Thúy luôn cố gắng giúp các bị cáo được giảm nhẹ mức án, để sớm được hoàn lương làm lại cuộc đời.

Đối tượng tuyên truyền của TGVPL có sự đặc thù riêng. Họ là những người nghèo, khuyết tật, trẻ em và yếu thế trong xã hội. Việc tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế, nên việc tuyên truyền pháp luật trực tuyến rất khó khăn. TGVPL phải đi tới từng xã. Nhiều trường hợp phải tới tận nhà người dân để xác minh, thu thập hồ sơ vụ việc để trợ giúp. TGVPL còn phải biết cách vận động, thuyết phục những trường hợp có con em bị xâm hại hoặc nạn nhân của những vụ bạo hành, vi phạm pháp luật nhưng bị người thân, gia đình giấu cơ quan chức năng vì sợ.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

;
.