Thực hành lái xe trên cabin điện tử: Còn nhiều bất cập
Theo quy định, từ 1/1/2023, người thi lấy giấy phép lái xe ô tô phải học thực hành trên cabin điện tử (cabin ảo). Sau 6 tháng triển khai, quy định này bộc lộ một số bất cập.
Học viên thực hành lái xe trên cabin điện tử ở Công ty CP Đạt Phúc. |
Chưa hiệu quả
Anh Đoàn Minh Hùng (35 tuổi, ở TP.Vũng Tàu) cho biết, anh tham gia khóa đào tạo bằng lái xe B1 tại Trung tâm dạy nghề lái xe tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (thuộc Công ty CP Đạt Phúc) từ tháng 3/2023. Vừa qua, anh kết thúc học thực hành lái xe trên cabin điện tử.
Theo cảm nhận của anh, phần học này không hiệu quả, chỉ khoảng 30% là phù hợp với thực tế nên không giúp nhiều cho học viên trong phát triển kỹ năng lái xe. Chưa kể, việc ngồi trong cabin điện tử còn khiến học viên rất mệt, thậm chí hoa mắt, chóng mặt nếu ngồi lâu.
“Cảm giác khi quay lái, đạp phanh trên xe ô tô rất khác với cabin điện tử. Theo tôi, nên tăng thời gian cho học viên thực hành trên xe thật, đường thật thì hiệu quả sẽ cao hơn”, anh Hùng nói.
Tương tự, chị Huỳnh Thị Lan (46 tuổi, ở TP.Bà Rịa) chia sẻ, chị học lái xe tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và sát hạch lái xe Đặng Lâm và đang chờ đến kỳ thi sát hạch. Do học với giáo viên theo hình thức 1 kèm 1 nên phần thực hành không quá khó khăn. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với chị Lan là 3 giờ học trên cabin ảo. “Tôi bị rối loạn tiền đình nên chỉ ngồi ở cabin ảo 10-15 phút là đã chóng mặt, buồn ói, phải dừng lại”, chị Lan bày tỏ.
Tự nhận mình là người có thần kinh khỏe, sức khỏe tốt nhưng chị Lê Thanh Thúy (32 tuổi, ở huyện Đất Đỏ), học viên tại Trung tâm dạy nghề lái xe tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn không khỏi choáng váng khi thực hành trên cabin ảo suốt 1 giờ. Theo chị Thúy, nội dung không giống với thực tế lái xe ở ngoài. Nhiều tình huống, phần mềm xử lý chậm hơn hoặc nhanh hơn người lái nên hiệu quả kỹ năng thực hành không cao. Điều này không khác gì trò chơi lái ô tô trong game.
“Theo tôi, điều quan trọng nhất là việc đào tạo phải bảo đảm tính thực tế, học thực, thi thực. Thay vì dành thời gian học trên cabin ảo, hãy tăng thời gian thực hành lái xe trên đường, trong đêm tối thì hiệu quả sẽ cao hơn”, chị Thúy đề nghị.
Cần điều chỉnh cho phù hợp
Ông Lâm Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và sát hạch lái xe Đặng Lâm thừa nhận có tình trạng như học viên phản ánh. Ông Giang thông tin, thực hành lái xe trên cabin ảo, học viên sẽ phải trải qua các bài như: đi trong đô thị, đi trên đường cao tốc, đường trơn trượt, sa hình… Đây là ứng dụng mô phỏng các tình huống hay gặp nhất khi lái xe ô tô tham gia giao thông. Từ đó, người lái xe có thể hiểu và biết cách xử lý những tình huống trên thực tế, tránh va chạm đáng tiếc xảy ra.
Tuy nhiên, chất lượng máy cabin ảo chưa bảo đảm yêu cầu. Phần mềm xử lý chưa theo kịp thao tác của người lái, dẫn đến "lệch pha" trong xử lý tình huống khi lái xe. Do đó, hiệu quả thực hành chưa như kỳ vọng. “Tôi từng trải nghiệm thực hành lái xe trên cabin ảo ở nước ngoài. Bài học này giúp hình thành một số kỹ năng cần thiết khi lái xe trên đường. Để giải quyết vấn đề hiện nay, cần cải thiện, nâng cấp phần mềm xử lý các tình huống”, ông Giang kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, sở cũng đã nhận được thông tin phản hồi như trên. Tuy nhiên, Thông tư 04/2022 của Bộ GT-VT quy định, từ 1/1/2023, tất cả các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ bắt buộc phải lắp đặt, giảng dạy trên cabin điện tử học lái ô tô, nếu không sẽ phải dừng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe đang hoạt động đã lắp đặt cabin học lái theo đúng lộ trình Bộ GT-VT đưa ra. “Bộ GT-VT cũng đã nhận thấy những bất cập và đang chỉ đạo Cục đường bộ Việt Nam có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp”, ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận nói thêm.
Theo các cơ sở đào tạo lái xe, cabin điện tử được hiểu là thiết bị dùng để tập lái xe mô phỏng. Nó được thiết kế như một cabin ô tô thật, giúp người học làm quen và trải nghiệm giống như đang ngồi thực tế trên xe. |
Cabin ảo gồm: phần cứng, phần mềm và các linh kiện điện tử. Phần cứng như: ghế ngồi có dây an toàn, cần số, bảng điều khiển, vô lăng. Phần mềm mô phỏng lái xe được cài đặt trong hệ thống của cabin điện tử này. Các linh kiện điện tử được ghép nối với nhau để hệ thống có thể hoạt động.
Khi thực hành lái xe trên cabin ảo, một số tình huống người học phải trải qua: lái xe trên đường phố với lượng người đông đúc; lái xe qua đường cắt ngang hay đường giao nhau hoặc giao với đường sắt; lái xe trên đường cao tốc; tình huống dừng chờ đèn đỏ; qua phà hay đường giao cắt...
|
Bài, ảnh: TRÚC GIANG