Mưa lớn khiến 1 cây bàng di sản Côn Đảo bật gốc
Đến 10 giờ 30 phút ngày 31/7, hiện trường cây bàng di sản bật gốc đổ trên đường Lê Duẩn, huyện Côn Đảo đã được Công ty TNHH MTV Cây xanh Côn Đảo thu dọn. Toàn bộ nhánh cành đã được dời đi, chỉ còn phần thân cây còn nằm tại hiện trường.
Công nhân Công ty TNHH MTV Cây xanh Côn Đảo đội mưa thu dọn hiện trường cây bàng di sản bật gốc trên đường Lê Duẩn, Côn Đảo |
Trước đó, ảnh hưởng của mưa lớn và gió giật mạnh những ngày qua, rạng sáng 31/7 cây bàng di sản trên đường Lê Duẩn (khu vực cổng phụ di tích Nhà Chúa Đảo) bị bật gốc đổ ra đường. Thời điểm này đang đêm khuya, không có phương tiện và người di chuyển trên tuyến đường trên.
Nhân được tin báo, lãnh đạo huyện Côn Đảo đã chỉ đạo lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường, hướng dẫn phương tiện không lưu thông vào khu vực trên. Ngay khi trời sáng, công nhân Công ty TNHH MTV Cây xanh Côn Đảo đã tiến hành xử lý hiện trường.
Cây bàng bị bật gốc có đường kính 1,1m |
Ông Trịnh Trọng Tấn, Phó Giám đốc Phụ trách Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cây xanh Côn Đảo cho biết, dự kiến trong buổi trưa, xe cẩu chuyên dùng sẽ cẩu phần thân cây, hoàn tất thu dọn và trả lại lòng đường cho lưu thông đi lại.
Cây bàng trên nằm trong tổng số 97 cây di sản tại Côn Đảo. Cây cao 10m, đường kính khoảng 1,1m, tuổi thọ ước 160 năm. Phần rễ nổi lên mặt đường. Cây đã bị bọng gốc trước đó.
Phần gốc cây đã bọng rỗng. Ảnh do CTV cung cấp |
Trước đó, chiều 29/7, trên cung đường từ trung tâm Côn Đảo ra Bến Đầm, ngay khu vực Mũi Cá Mập cũng xảy ra sạt lở đá từ trên núi xuống đường. Chiều cùng ngày, Ban Quản lý Công trình Công cộng huyện Côn Đảo đã đưa xe chuyên dụng thu gom đất đá vương vãi. Riêng phiến đá lớn nhất sẽ chẻ tại chỗ rồi mới dời đi. Vụ sạt lở xảy ra trong buổi chiều, mưa lớn, tuyến đường Bến Đầm không có phương tiện lưu thông nên không cản trở giao thông và cũng không ghi nhận thiệt hại.
Trước tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, UBND huyện Côn Đảo đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát cây xanh cổ thụ có nguy cơ ngã đổ, gãy tán, bọng gốc, nhất là những cây nằm trong khu vực di tích, khu dân cư, có khách du lịch và người dân thường xuyên đi lại để cảnh báo nguy cơ gãy đổ, đồng thời tiến hành chằng, chống, theo dõi chặt kịp thời khoanh vùng khu vực nguy hiểm hạn chế qua lại. Đối với các tuyến đường có núi cao, nền đất yếu, huyện cũng chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài để chủ động phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
ĐĂNG KHOA