Kỳ 2: Những câu chuyện buồn do ma túy
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Ma túy không chỉ là nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm mà còn gây đau thương mất mát cho gia đình, xã hội. Và chỉ cần một lần dính vào ma túy, nhiều người sẽ đánh mất tương lai, hoài bão của mình.
Các học viên nữ tham gia lao động trong thời gian cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy. |
1001 kiểu dính vào ma túy
Chúng tôi đến Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là cơ sở cai nghiện, ở ấp 6, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) vào những ngày cuối tháng 6 và được nghe hàng loạt câu chuyện buồn do ma túy gây ra. Nơi đây nhiều năm qua tiếp nhận hàng chục ngàn học viên (HV) đến điều trị cai nghiện mà hầu hết là người trẻ.
Với gương mặt xinh xắn, vóc dáng cao ráo, T.T.Y (SN 1990, ngụ huyện Châu Đức) trước đây là mục tiêu săn đón của biết bao chàng trai. Thế nhưng đến nay, Y. đã phải cai nghiện bắt buộc tại đây được 12 tháng.
Tâm sự với chúng tôi, Y. ví von rằng cơ sở cai nghiện như một liều thuốc cảnh tỉnh bản thân và cũng là bài học rất đắt để bản thân ghi nhớ, tránh đi vào vết xe đổ lần nữa. Tốt nghiệp cao đẳng và có trình độ ngoại ngữ tương đối khá, Y. sau đó làm quản lý chuỗi chi nhánh cho một công ty nước ngoài với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng.
Y. tâm sự: “Đời xô đẩy, em lỡ yêu người chồng nghiện ma túy. Gia đình đã cấm cản nhưng quá thương nên 2 đứa cưới bất chấp. Không biết từ lúc nào, em đã sử dụng ma túy cùng chồng”.
Chuyện tình đôi bạn trẻ cũng không kéo dài khi đến đầu năm 2022, Y. biết chồng ngoại tình công khai. Quá buồn chán, Y. lại nhớ đến ma túy và sử dụng vô tội vạ. Trong một lần đến nhà bạn chơi, Y. bị lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất và phát hiện dương tính với ma túy.
Một năm cai nghiện tại đây, Y. bình tâm suy nghĩ về quá khứ và ân hận rất nhiều vì sự mù quáng của bản thân. “Con em đã vào lớp 1, cháu rất hiểu chuyện nên gia đình nói dối em đi làm xa. Em muốn trở về lo cho con và làm lại cuộc đời mình”, Y. nói.
Cũng là cậu ấm của một gia đình làm cán bộ tại huyện Xuyên Mộc, thế nhưng H.T.H (SN 1994) đã 3 lần vào trại cai nghiện. H. cho biết mình là con út trong gia đình, tính tình bướng bỉnh từ nhỏ. Học cấp 3, H. quyết định ra ở riêng và tự kiếm tiền nuôi bản thân. Thời gian này cũng là lúc H. sa chân vào ma túy khi chơi cùng đám bạn xấu.
H. tâm sự khi giao du với những nhóm bạn xấu, ban đầu chỉ những lời mời chào vài điếu thuốc. Về sau những thứ H. sử dụng đổi thành ma tuý đá. Thậm chí, những lần vào trại, H. còn gặp vài người quen đã từng chơi ma túy cùng nhau.
Kể về quá khứ đáng quên, H. cho biết lần đầu bị lực lượng chức năng đưa vào cơ sở cai nghiện vào năm 2016 trong 12 tháng. Tái hòa nhập cộng đồng, H. đã có ý định từ bỏ ma túy để tu chí làm ăn. Năm 2018, H. rời địa phương lên Bình Dương mở quán nhậu. Cuộc sống mưu sinh vốn không hề dễ dàng, đến năm 2020 việc kinh doanh thua lỗ, H. mang tâm trạng chán nản trở về gia đình cùng người vợ mới cưới. Tinh thần sa sút và sự lôi kéo của bạn bè cũ, rất nhanh sau đó H. lại tiếp tục tìm đến ma tuý và phải đi cai nghiện bắt buộc vào cuối năm 2020.
“Sau khi ra trại, vợ khuyên em bỏ ma tuý nhưng không được nên đã ly dị và để lại đứa con trai. Sau đó là lần thứ 3 em bị đưa đi cai nghiện bắt buộc. Giờ ở ngoài chỉ có bố mẹ già và đứa con nhỏ, 7 tháng ở đây em đã rất hối hận”.
Cần có ý chí, quyết tâm
Chị T.T.H.G. (SN 1987) còn 1 tháng nữa sẽ tái hòa nhập cộng đồng. Chị G. từng là chủ một quán cà phê trên địa bàn TP.Vũng Tàu nhưng lại vướng vào ma túy. Trò chuyện với PV, G. gượng cười cho biết, người báo công an đưa mình vào cơ sở cai nghiện là... ba ruột.
“Ba hỏi nhưng tôi chối, đến lúc tôi có biểu hiện thì ba báo công an đưa đi luôn. Lúc đó rất giận ba, nhưng suốt 1 năm cai nghiện tại đây tôi lại thấy có lỗi với gia đình quá”, G. bùi ngùi nói.
Cũng vì những cuộc chơi thâu đêm, những nhóm bạn xem ma túy là chất kích thích cần thiết trong các cuộc nhậu, dần dà G. nghiện lúc nào không hay. Thậm chí, hầu như mỗi ngày G. đều sử dụng và tần suất ngày càng nhiều. Thời gian 1 năm cai nghiện giúp G. bình tâm, suy nghĩ thấu đáo hơn về sự sa ngã của bản thân. G. tâm sự, rất có thể G. sẽ đi làm xa sau khi tái hòa nhập để tránh xa những nhóm bạn xấu.
Ông Phạm Văn Hùng, Phó Trưởng phòng Tư vấn-Giáo dục tại cơ sở điều trị cai nghiện ma túy là cán bộ có thâm niên khoảng 20 năm gắn bó với cơ sở. Theo ông Hùng, người trẻ hiện nay sử dụng chủ yếu là ma túy đá và thuốc lắc. Chúng tiếp cận giới trẻ qua những cuộc vui chơi, vũ trường. Thời gian công tác tại đơn vị, ông Hùng còn chứng kiến trường hợp cả hai cha con đều bị đưa đi cai nghiện hoặc có những học viên tái nghiện 5-7 lần.
Thực tế, tâm lý HV tại cơ sở hầu hết đều vững và mong muốn bỏ ma túy. Tuy nhiên quá trình tái hòa nhập vẫn gặp những khó khăn từ định kiến xã hội hoặc ý chí thiếu quyết tâm của cá nhân HV, điều này rất dễ tái nghiện. Theo ông Hùng, để người nghiện không quay lại con đường cũ trước hết cần sự mở lòng từ gia đình và xã hội. Cùng với đó là thay đổi môi trường sống, tạo tâm lý tích cực để người nghiện có mục tiêu phấn đấu, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tối 14/6, tại Chương trình tôn vinh điển hình tiên tiến và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy do Bộ Công an - cơ quan thường trực về phòng chống ma túy tổ chức, một thông tin được nêu lên khiến nhiều người lo ngại. Theo thống kê, trên thế giới hiện có hơn 275 triệu người sử dụng ma túy bất hợp pháp. Nước ta có khoảng 196.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; đa số không có việc làm hoặc có việc làm không ổn định, tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh tội phạm và phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.
Tội phạm ma túy là những đối tượng phức tạp, nguy hiểm, ngày càng có xu hướng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện và các loại ma túy mới xuất hiện ngày càng nhiều, ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi khác nhau. Tình hình ma túy học đường diễn biến phức tạp; số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng tăng cao ở lứa tuổi trẻ. Tội phạm và tệ nạn ma tuý đã gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân, đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
|
(Còn nữa)
Bài, ảnh: NHÓM PV NỘI CHÍNH