Bất an về quản lý người bệnh tâm thần

Thứ Ba, 30/05/2023, 19:26 [GMT+7]
In bài này
.

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

(Kỳ cuối)

Hiện nay, phần lớn người bệnh tâm thần được điều trị tại cộng đồng nhưng không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc. Nhiều người không được khám, chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi. Đây là nỗi lo của toàn xã hội.

Bệnh nhân tâm thần được khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Bệnh nhân tâm thần được khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Kịp thời xử lý tại cơ sở

Theo nhận định của cơ quan chức năng, phòng ngừa tình trạng người tâm thần gây án là một vấn đề khá khó khăn bởi lẽ họ có thể hành động mất kiểm soát bất cứ lúc nào. Tại TP.Vũng Tàu,  theo thống kê của cơ quan công an, hiện trên địa bàn thành phố có 230 người bệnh tâm thần. Trong đó, có 20 người tâm thần có nguy cơ phạm tội ngoài xã hội đang được quản lý chặt.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (gọi tắt Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) vừa qua, Thượng tá Nguyễn Văn Luyện, Trưởng Công an TP.Vũng Tàu cho biết, những người bệnh tâm thần nếu không quản lý chặt sẽ gây phức tạp cho xã hội. Vì vậy, thời gian qua, Công an TP.Vũng Tàu chỉ đạo công an các xã, phường phối hợp với chính quyền địa phương rà soát từ cơ sở để thống kê quản lý người có dấu hiệu tâm thần, loạn thần “ngáo đá” để có giải pháp phòng ngừa. Đồng thời, cơ quan công an trao đổi thường xuyên với cơ quan y tế để khi các đối tượng có biểu hiện bệnh thì kịp thời phối hợp đưa đi khám chữa bệnh hoặc khống chế kịp thời không để xảy ra những tình huống phức tạp.

“Vai trò của cấp chính quyền, cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác phối hợp quản lý người tâm thần. Bên cạnh đó, các trạm, trung tâm y tế, bệnh viện tâm thần cần có sự trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, cơ quan công an về tình trạng, mức độ bệnh tật của các bệnh nhân điều trị tại địa phương để kịp thời xử lý vụ việc phát sinh ngay từ cơ sơ nhằm tránh để người bệnh đi lang thang vi phạm pháp luật”, Thượng tá Nguyễn Văn Luyện nhấn mạnh.

Theo Thượng tá Luyện, thời gian tới, Công an TP.Vũng Tàu tham mưu cho Ban chỉ đạo 138 TP.Vũng Tàu tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại địa bàn cơ sở và có sự phối hợp giữa các địa phương trong việc quản lý người tâm thần. Bởi người tâm thần phát bệnh rất bất chợt, nếu không quản lý di biến động của các đối tượng này thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

Tương tự, trên địa bàn huyện Châu Đức hiện có 17 đối tượng có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” và 173 người bệnh tâm thần. Trong đó, 20 người có biểu hiện vi phạm pháp luật. Thượng tá Nguyễn Nguyện Luân, Trưởng Công an huyện Châu Đức cho biết, thời gian qua, công an huyện, xã, thị trấn đã rà soát lập danh sách các đối tượng có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”, tâm thần để phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, địa phương, gia đình theo dõi, giám sát. 

“Người tâm thần khi có biểu hiện phát bệnh, công an huyện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động gia đình đưa đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo 138 huyện chỉ đạo các ngành thực hiện tốt công tác chăm sóc, phục hồi sức khỏe người tâm thần tại địa phương”, Thượng tá Nguyễn Nguyện Luân thông tin thêm.

Người tâm thần gây án chịu trách nhiệm gì?
Thượng tá Nguyễn Nguyện Luân cho biết , công tác quản lý người bệnh tâm thần tại huyện Châu Đức đã được thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy tại vùng nông thôn, xa khu dân cư, công tác này còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện những người tâm thần có dấu hiệu vi phạm pháp luật chưa được kịp thời dẫn đến nguy cơ vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Luật Nguyễn Cảnh cho biết, theo quy định tại Điều 21, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; Trong trường hợp cơ quan giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình tại thời điểm gây án thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã thực hiện.
Theo cơ quan công an, không phải bất cứ vụ án nào do người có bệnh án tâm thần gây ra cũng được miễn trách nhiệm hình sự. Theo Điều 51, Bộ luật Hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Điều này có nghĩa là nếu như cơ quan giám định xác định đối tượng chỉ mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, đối tượng vẫn bị xử lý hình sự nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, họ sẽ được chữa bệnh hoặc ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát trước khi phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Cần sự yêu thương, vỗ về

Bác sĩ Hồ Lộc, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, người bệnh tâm thần không được điều trị đúng cách, bệnh ngày càng nặng, chỉ cần bị kích động hay phát bệnh sẽ không kiểm soát được hành vi. Do đó, trách nhiệm quản lý trước tiên thuộc về gia đình của người bệnh. “Nếu thấy người thân có dấu hiệu phát bệnh  hoặc đã bị bệnh và tái phát bệnh thì gia đình phải nhanh chóng đưa người bệnh đi khám, điều trị. Từ những vụ án có thể thấy, các đối tượng tâm thần gây án đều trong tình trạng bệnh trở nặng, không uống thuốc theo đúng phác đồ điều trị. Hoặc gia đình giam lỏng người bệnh tại nhà, sơ suất trong quản lý”, bác sĩ Lộc nói.

Theo bác sĩ Lộc, người bệnh tâm thần phải điều trị lâu dài vì đây là bệnh lý mãn tính. Do đó, người bệnh sống dựa vào gia đình và xã hội, phải uống thuốc để tâm thần ổn định, phục hồi chức năng để sống tương đối bình thường. Người bệnh tâm thần rất cần sự yêu thương, vỗ về, chăm sóc, động viên, cảm thông chia sẽ từ xã hội, nhất là gia đình, người thân cũng như sự quản lý chặt chẽ, hỗ trợ phương tiện cho họ tuân thủ điều trị. 

Vì vậy nhằm ngăn chặn vụ việc, vụ án do người có bệnh tâm thần gây ra, cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ từ gia đình, chính quyền cơ sở và toàn xã hội. Đặc biệt, các cá nhân, tổ chức nêu cao trách nhiệm, chủ động, hỗ trợ gia đình trong công tác quản lý, điều trị người tâm thần.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

 
;
.