Tranh chấp tài sản thừa kế: Hơn 10 năm, 7 lần xét xử vẫn chưa xong
Qua 7 phiên xét xử từ cấp sơ thẩm đến giám đốc thẩm, vụ việc dân sự về thừa kế di sản xảy ra tại phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa vẫn chưa có hồi kết. Đến nay, sau hơn 10 năm, vụ việc lại quay trở về điểm xuất phát.
Diện tích đất của vợ chồng ông Soát và bà Hòa ở xã Hòa Long khiến các con tranh chấp hơn 10 năm nay chưa giải quyết xong. |
Từ bản di chúc mập mờ
Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng ông Nguyễn Văn Soát (mất năm 2006) và bà Nguyễn Thị Hòa (mất 23/11/2005) có 9 người con. Trong thời gian còn sống, ông Soát và bà Hòa tạo lập tài sản là thửa đất tại xã Hòa Long với diện tích 9.657m2 và được cấp giấy CNQSDĐ ngày 11/7/2005 do ông Nguyễn Văn Soát đứng tên.
Sau khi ông Soát và bà Hòa mất, ông Nguyễn Văn Xinh (con trai ông Soát) có đưa ra bản di chúc, lập ngày 15/2/2005 với nội dung “để lại toàn bộ diện tích đất nói trên cho ông Nguyễn Văn Xinh”.
Ông Nguyễn Văn Xinh cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hường lập thủ tục kê khai, hưởng di sản quyền sử dụng đất nêu trên và được UBND TX.Bà Rịa (nay là TP.Bà Rịa) cấp giấy CNQSDĐ ngày 9/8/2006.
Đến năm 2009, các anh chị em trong gia đình mới phát hiện vợ chồng ông Xinh đã làm thủ tục thừa kế toàn bộ tài sản do cha mẹ để lại. Sau đó, ông Xinh chuyển nhượng một phần diện tích đất trên cho một số người khác nhưng chưa thực hiện được do anh chị em trong gia đình khởi kiện ra tòa.
Ông Xinh khẳng định, cha mẹ lập di chúc cho ông thừa hưởng toàn bộ diện tích đất nêu trên, có bà Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Lụa là hàng xóm của ông làm chứng.
Sau khi làm di chúc, ngày 15/9/2005, cha mẹ ông Xinh họp các con, công bố việc cho ông Xinh thừa hưởng thừa kế thửa đất nêu trên. Đồng thời viết giấy “Cho nhà và đất” nội dung xác định việc ông Soát và bà Hòa cho ông Xinh thừa kế quyền sử dụng đất và nhà ở. Tờ giấy này có 10/11 chữ ký của các thành viên trong gia đình. Do đó, các anh chị em trong gia đình đều biết rõ cha mẹ cho ông Xinh thừa kế thửa đất trên.
Bản di chúc có đầy đủ nội dung theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995. Tuy nhiên, các nguyên đơn không thừa nhận chữ ký trong bản di chúc là của cha mẹ mình (ông Soát, bà Hòa). Kết luận giám định chữ ký của Phân viện khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng khẳng định, chữ ký mang tên Nguyễn Văn Soát tại tờ di chúc với chữ ký của ông Nguyễn Văn Soát trên các mẫu đối chứng là không do cùng một người ký, còn chữ ký mang tên bà Nguyễn Thị Hòa trên các giấy tờ liên quan không đủ cơ sở để giám định.
Ngoài ra, xét về hình thức của di chúc, đây là di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Tuy nhiên, theo lời khai của các nhân chứng là bà Bình và bà Lụa, chữ ký của ông Soát và bà Hòa đã được ký sẵn, sau đó bà Bình và bà Lụa ký tên. Cả 2 người làm chứng đều không đọc nội dung và cũng không trực tiếp nhìn thấy ông Soát và bà Hòa ký tên vào tờ di chúc.
Tại biên bản xác minh ngày 25/10/2017, UBND phường Phước Hưng, TP.Bà Rịa cũng cho biết, việc ký xác nhận vào bản di chúc của ông Soát trước đây của UBND phường Phước Hưng chỉ nhằm mục đích xác nhận ông Soát có hộ khẩu thường trú tại địa phương, chứ không chứng thực chữ ký và xác nhận tính hợp pháp của nội dung di chúc. Di chúc cũng không được lập tại UBND phường, trước mặt người có thẩm quyền chứng thực.
Về văn bản “Cho nhà và đất”, được lập ngày 15/9/2005 trong buổi họp gia đình, trao đổi với phóng viên, những người con còn lại của ông Soát và bà Hòa khẳng định không có buổi họp gia đình. Việc có các chữ ký trong văn bản là do ông Xinh mang tới nhà các anh chị em nhờ ký nên họ ký chứ không rõ nội dung là gì (?!).
Nhiều phán quyết khác nhau
Vụ án tranh chấp quyền thừa kế trên đã được TAND các cấp đưa ra xét xử với nhiều phán quyết khác nhau nhưng đến nay vẫn chưa đi đến phán quyết cuối cùng.
Cụ thể, năm 2010, TAND TX.Bà Rịa tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Lý do, bản di chúc có chữ ký của ông Soát và bà Hòa, có chữ ký của người làm chứng, có xác nhận của Ban điều hành khu phố và UBND phường Phước Hưng (nay là phường Phước Hiệp).
Theo Điều 656 và 657 Bộ luật Dân sự năm 1995 thì di chúc đúng quy định về hình thức của di chúc bằng văn bản. Vì vậy, việc các đồng nguyên đơn đề nghị phân chia tài sản thừa kế theo pháp luật là không có căn cứ chấp nhận.
Tuy nhiên, bản án phúc thẩm số 39/2013 của TAND tỉnh lại tuyên xử, chấp nhận một phần kháng cáo của các nguyên đơn và hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Nguyên nhân là do cấp sơ thẩm chưa điều tra đầy đủ và làm rõ một số tình tiết của vụ việc như: chữ ký của ông Soát và bà Hòa trong di chúc, 2 người làm chứng xác nhận không trực tiếp nhìn thấy ông Soát và bà Hòa ký vào di chúc.
Ngoài ra, 2 tháng sau Ban điều hành khu phố và UBND phường Phước Hưng mới ký xác nhận hộ khẩu thường trú của người lập di chúc.
Căn cứ vào Điều 656, 658 Bộ luật Dân sự năm 1995 thì di chúc trên được lập không đúng quy định về hình thức. Và kết quả giám định chứ ký cho thấy, chữ ký của ông Soát tại tờ di chúc và các mẫu đối chứng khác không cùng một người ký.
Do vậy, TAND tỉnh giao cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại.
Ngày 25/4/2015, TAND TP. Bà Rịa lại tiếp tục sơ thẩm vụ án và tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và tuyên xử ông Xinh được hưởng toàn bộ tài sản là thửa đất nêu trên.
Tiếp theo đó, bản án phúc thẩm ngày 8/9/2015 của TAND tỉnh tuyên hủy án sơ thẩm do có thêm tình tiết mới là bà Nguyễn Thị Hội (con gái ông Soát - người không đứng đơn khởi kiện ông Xinh về quyền thừa kế) xác định rõ, không có buổi họp mặt gia đình ngày 15/2/2005 để tiến hành lập giấy “Cho nhà ở và đất”, cũng không có việc bà Hòa, ông Soát họp công bố cho các con về bản di chúc lập ngày 15/2/2005 như ông Xinh trình bày.
Sau đó các nguyên đơn tiếp tục kháng cáo và lại qua rất nhiều lần đưa ra xét xử.
Gần nhất là bản án Giám đốc thẩm số 119 ngày 28/5/2020 của TAND cấp cao TP.Hồ Chí Minh cho rằng, việc điều tra xác minh vụ thừa kế nêu trên chưa đầy đủ, chưa đủ căn cứ pháp luật. Do đó, hủy bản án phúc thẩm ngày 9/1/2018 của TAND tỉnh và hủy bản án sơ thẩm ngày 10/4/2018 của TAND TP.Bà Rịa; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Bà Rịa xét xử lại theo quy định pháp luật.
Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ