.

Nợ hơn 2.000 tỷ đồng, Công ty Sofel phá sản

Cập nhật: 20:15, 26/04/2023 (GMT+7)

Hội nghị chủ nợ Công ty TNHH Đóng tàu và Cơ khí Hàng hải Sài Gòn (Công ty Sofel) đã thống nhất thông qua nghị quyết để tòa án tuyên bố phá sản đối với DN này. Theo thống kê, đến nay Sofel đang nợ 2.000 tỷ đồng nhưng tài sản còn lại trị giá chỉ khoảng 73 tỷ đồng.

Thẩm phán Nguyễn Minh Châu tuyên bố phá sản đối với Công ty Sofel.
Thẩm phán Nguyễn Minh Châu tuyên bố phá sản đối với Công ty Sofel.

Nợ hơn 2.000 tỷ đồng

Ngày 26/4, TAND tỉnh tổ chức hội nghị chủ nợ Công ty Sofel (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu). Từ sáng sớm, 133/212 chủ nợ của Công ty Sofel tới tòa làm thủ tục để tham dự hội nghị.

Thông báo tại hội nghị, TAND tỉnh cho biết, tháng  2/2019 TAND tỉnh bắt đầu giải quyết vụ việc phá sản của Công ty Sofel theo đơn yêu cầu của Công ty TNHH Cơ khí Tân Thành, nhưng đến nay mới mở được hội nghị chủ nợ do vụ việc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân do nhà đầu tư, chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật và những người đại diện theo ủy quyền của Công ty Sofel đều vắng mặt, không tham gia vụ việc, không phối hợp với tòa án, quản tài viên, công ty quản lý thanh lý tài sản trong việc kiểm kê tài sản, số nợ, người mắc nợ...

Tính chất, quy mô vụ việc phá sản phức tạp với tài sản nhiều nơi (TP.Vũng Tàu và quận 2, TP.Hồ Chí Minh), nhiều chủ nợ, liên quan nhiều tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài; phải giải quyết tranh chấp về số nợ, khoản nợ, bão lãnh, tranh chấp tài sản bảo đảm.

Đồng thời, Công ty Sofel không còn người làm việc quản lý điều hành hoạt động từ khi bị mở thủ tục phá sản năm 2018, không nộp báo cáo tài chính năm 2017, 2018; không thực hiện kiểm kê tài sản.

Tính đến ngày 26/4/2023 số yêu cầu đòi nợ được Tòa án xem xét tạm tính có tới 212 hồ sơ. Tổng số nợ (gốc và lãi phát sinh tới tháng 2/2023) hơn 2.051 tỷ đồng. Trong đó, nợ không có bảo đảm hơn 1.768 tỷ đồng bao gồm: nợ tiền lương, bảo hiểm của người lao động. Nợ có bảo đảm hơn  283 tỷ đồng.

Tòa án cũng có quyết định giao cho các tổ chức tín dụng tài sản của Sofel đã thế chấp để bán cấn trừ các khoản nợ có bảo đảm. Có 5 ngân hàng được bán tài sản của Sofel để thu hồi nợ với tổng số tiền hơn 1.170 tỷ đồng. Trong đó ngân hàng lấy được khoản nợ nhiều nhất gần 600 tỷ đồng, ngân hàng ít nhất gần 50 tỷ đồng.

Theo kiểm kê của công ty quản lý tài sản thanh lý, tài sản còn lại hiện tại của Sofel chỉ có trị giá gần 73 tỷ đồng. Trong đó có tài sản trị giá 42 tỷ đồng là tài sản mà Sofel thế chấp cho một ngân hàng, tài sản còn lại có trị giá gần 31 tỷ đồng.

Ông Hoàng Đức Thắng, đại diện Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - Chi cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh  nêu ý kiến tại hội nghị.
Ông Hoàng Đức Thắng, đại diện Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - Chi cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh nêu ý kiến tại hội nghị.

Tuyên bố phá sản đối với Công ty Sofel

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Hoàng Đức Thắng (đại diện Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - Chi cục hải quan TP.Hồ Chí Minh) cho biết, từ năm 2016 - 2019, Công ty Sofel nhập khẩu nguyên vật liệu nhưng chưa quyết toán thuế với cơ quan hải quan. “Chúng tôi đã gửi hồ sơ tới tòa thể hiện số nợ thuế của Công ty Sofel là 54 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi đề nghị tổ thẩm phán ghi nhận thêm số tiền Công ty Sofel chậm nộp là 35 tỷ đồng và tiền phạt vi phạm hành chính do trốn thuế”, ông Hoàng Đức Thắng kiến nghị.

Còn ông L.T.N (chủ nợ) nêu ý kiến, số tiền thanh lý tài sản sẽ được phân chia như thế nào đối với chủ nợ không có tài sản đảm bảo? Khi mua bán hàng hóa với Công ty Sofel có xuất hoá đơn thuế 10%  cho cơ quan thuế. Hiện số nợ chưa thu hồi được, nhưng tiền thuế đã đóng thì có lấy lại được không?

Trả lời vấn đề này, Thẩm phán Nguyễn Minh Châu nói: “Đối với tài sản không đảm bảo, sẽ chia theo Điều 54 của Luật Phá sản, bao gồm chi phí cho việc giải quyết vụ việc phá sản, tiền lương, BHXH cho người lao động. Số còn lại sẽ chia theo tỷ lệ phần trăm quy định tại Điều 54 của Luật này. Đối với tiền thuế giá trị gia tăng không thuộc phạm vi của tổ thẩm phán, đề nghị chủ nợ liên hệ cơ quan thuế để xử lý”.

Hội nghị còn ghi nhận nhiều ý kiến của chủ nợ về phương án giải quyết nợ đối với Công ty Sofel, thành lập ban đại diện chủ nợ. Tại hội nghị, 100% chủ nợ đồng ý để tòa án tuyên bố Công ty Sofel chính thức phá sản. Thẩm phán Nguyễn Minh Châu đã tuyên bố phá sản đối với Công ty Sofel.

Công ty Sofel được thành lập ngày 1/6/2007, người đại diện pháp luật là bà Inah Kosasih (quốc tịch Indonesia), loại hình pháp lý là Công ty TNHH MTV. Địa chỉ trụ sở chính tại đường số 12, KCN Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu. Ngành nghề kinh doanh chính là đóng tàu và cấu kiện nổi.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

.
.
.