VỤ XÂM PHẠM NHÃN HIỆU BIA SAIGON CỦA SABECO

Phạt các bị cáo sản xuất bia "nhái" thương hiệu Sabeco 3,7 tỷ đồng

Thứ Năm, 16/03/2023, 20:28 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Chiều 16/3, TAND tỉnh tuyên án vụ “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, đã tuyên phạt Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung (SN 1967, ngụ TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam) tổng số tiền 3,7 tỷ đồng.

Bị cáo Lê Đình Trung và Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam bị phạt 3,7 tỷ đồng vì sản xuất bia “nhái” thương hiệu Sabeco.
Bị cáo Lê Đình Trung và Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam bị phạt 3,7 tỷ đồng vì sản xuất bia “nhái” thương hiệu Sabeco.

Bị cáo nhận mọi trách nhiệm

Tại phiên tòa, đại diện VKSDN tỉnh giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo đối với tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Trung từ 600 - 800 triệu đồng và xử phạt pháp nhân Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (Công ty bia Sài Gòn VN) 2-3 tỷ đồng. 

Bị cáo Trung  khai nhận toàn bộ hành vi của mình và thừa nhận cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội, không oan sai. Bản thân bị cáo mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội và không cố ý xâm phạm đến tổ chức và cá nhân nào. Nhưng sự nóng vội, thiếu sót trong khởi nghiệp mà đưa sản phẩm ra thị trường dẫn đến hành vi phạm tội. Bị cáo nhận mọi trách nhiệm về mình, mong HĐXX áp dụng hình phạt tiền như đề nghị của đại diện VKS và cam kết đóng phạt trong thời gian sớm nhất.

Do bị cáo Trung thừa nhận tội danh nên các luật sư bào chữa cho bị cáo không có ý kiến gì về tội danh và hình phạt mà đại diện VKS đã truy tố và đề nghị. Tuy nhiên các luật sư cho rằng hồ sơ vụ án có những vi phạm nhất định như: quá trình thu giữ và bảo quản tang vật không đúng theo quy định của Luật Tố tụng hình sự. Yếu tố gây nhầm lẫn của sản phẩm chưa rõ ràng; đề nghị xem xét lại mức phạt tiền đối với bị cáo,…

Trong khi đó, luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị hại cho rằng nhãn hiệu “bia Sài Gòn” và “bia Sài Gòn hình rồng” của Sabeco đã được bảo hộ và có đủ điều kiện để công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Tại phần xét hỏi đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã trình bày và khẳng định bia Sài Gòn của Sabeco là nhãn hiệu nổi tiếng. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX công nhận nhãn hiệu bia Sài Gòn của Sabeco là nổi tiếng và cân nhắc hình phạt đối với bị cáo nhằm bảo đảm tính răn đe. Đồng tình với ý kiến này, đại diện của bị hại cho rằng nhãn hiệu bia Sài Gòn là nhãn hiệu nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến quyền lợi, ảnh hưởng đến uy tín của Sabeco do đó đề nghị HĐXX có bản án nghiêm minh.

Theo cáo trạng, dù chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bia Saigon Vietnam”, nhưng ông Trung vẫn thỏa thuận các nội dung cơ bản để bà Trần Thị Ái Loan (người đại diện theo pháp luật của công ty thời điểm đó) ký hợp đồng hợp tác sản xuất và mua bán hàng hoá với ông V (chủ cơ sở sản xuất bia X. ở TP.Bà Rịa) về việc sản xuất sản phẩm “Bia Saigon Vietnam”. Tổng sản phẩm do cơ sở này sản xuất cho Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn VN là 8.912 thùng “Bia Saigon Vietnam”, trị giá hơn 1,4 tỷ đồng. Cáo trạng xác định Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn VN và ông Lê Đình Trung có hành vi sản xuất bia mang nhãn hiệu “Bia Sài Gòn Việt Nam”, sản phẩm có kiểu dáng nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” đã được bảo hộ thuộc sở hữu của Tổng Công ty CP bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với quy mô thương mại. Hành vi nêu trên đã phạm vào tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” quy định tại khoản 2, điều 226 Bộ luật Hình sự.

 

Hành vi bị cáo ảnh hưởng đến môi trường đầu tư

HĐXX nhận định, lời khai tại toà của bị cáo Trung phù hợp với quá trình điều tra, tài liệu chứng cứ và hồ sơ vụ án. Đủ cơ sở kết luận, Công ty bia Sài Gòn VN đã xâm phạm đối với nhãn hiệu được bảo hộ của Sabeco. Đồng thời cũng làm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại khoản 2, điều 213, Luật Sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Nên hành vi của Công ty bia Sài Gòn VN phạm vào tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo quy định tại khoản 4, điều 226 Bộ luật Hình sự.

“Bị cáo Lê Đình Trung là người đại diện theo pháp luật của công ty, trực tiếp thực hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu của pháp nhân và giả mạo các dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ của Sabeco. Hành vi của Trung đã cấu thành tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, HĐXX nhận định.

Đối với các cá nhân Trần Thị Ái Loan, Trần Thị Khánh Hà (cổ đông và đại diện pháp luật của công ty) không tham gia thiết kế nhãn hiệu sản phẩm, không đặt mua nguyên vật liệu và tiến hành hoạt động sản xuất do đó không đủ cơ sở xử lý. Đối với cơ sở sản xuất bia X. (TP. Bà Rịa) trực tiếp sản xuất sản phẩm bia Sài Gòn VN. Nhưng việc sản xuất dựa trên hợp đồng hai bên đã kí, trong hợp đồng Công ty Bia Sài Gòn VN cam kết chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nhãn hiệu. Cơ sở sản xuất bia X. chỉ thực hiện việc chưng cất, pha chế đóng gói do đó không đủ cơ sở xử lý hình sự cơ sở này. Ngoài ra, các công ty cung cấp vỏ lon, thùng, vận chuyển bia dựa trên hợp đồng kí kết nên không đủ cơ sở xử lý hình sự.

HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu hàng hoá. Ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Sabeco nói riêng và môi trường đầu tư kinh doanh và thượng tôn pháp luật mà các cấp chính quyền đang xây dựng để thu hút đầu tư, cạnh tranh toàn cầu.

Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Đình Trung 700 triệu đồng và Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn VN 3 tỷ đồng về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Tịch thu tiêu hủy số sản phẩm bia thành phẩm, vỏ lon, vỏ thùng bia là tang vật vụ án.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
;
.