.

Cảnh giác với ''sổ đỏ'' giả

Cập nhật: 19:22, 13/03/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục xử lý, truy tố nhiều đối tượng liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức làm giả giấy CNQSDĐ (sổ đỏ).

Tạ Thị Yến (SN 1956, trú tại TP.Hà Nội) tại cơ quan công an.
Tạ Thị Yến (SN 1956, trú tại TP.Hà Nội) tại cơ quan công an.

Phát hiện nhiều vụ lừa đảo

Chiều ngày 7/3, tại Văn phòng Công chứng Bà Rịa (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa), trong quá trình làm việc, công chứng viên phát hiện một giao dịch ủy quyền đối với thửa đất số 750, tờ bản đồ số 57, có địa chỉ tại phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ bằng GCNQSDĐ (sau đây gọi tắt là sổ đỏ) số DB 318226 có dấu hiệu làm giả.

Theo đó, sổ đỏ trên do bà N.T.Q. (SN 1989, ngụ tỉnh Đồng Nai) nắm giữ. Công chứng viên nhận thấy màu sắc của sổ mờ nhạt, lòe loẹt, có dấu hiệu làm giả. Đối chiếu số CCCD của người này, công chứng viên không kiểm tra được thông tin sổ. Tiếp tục xác minh từ số CMND, đơn vị phát hiện sổ đỏ này được đứng tên đồng sở hữu bởi 8 người. Bà Q. có hành vi làm sổ giả, thay đổi thông tin từ CMND sang CCCD và đứng tên chủ thửa đất. Nhận được tin báo, cơ quan công an vào cuộc điều tra mời bà N.T.Q. về trụ sở để làm việc.

Số giấy CNQSDĐ do Yến thuê làm giả.
Số giấy CNQSDĐ do Yến thuê làm giả.

Trước đó, tháng 11/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Tạ Thị Yến (SN 1956, trú tại TP.Hà Nội) và Nguyễn Sử Thành (1972, ngụ TP.Bà Rịa) để điều tra hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo điều tra, từ năm 2019, Yến đến phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa mua đất làm nhà. Thấy khu đất tại đây không ai canh tác và không biết chủ đất là ai nên Yến liên hệ Thành hỗ trợ làm giả sổ đỏ đứng tên Yến và con gái tại các khu đất này. Thành liên hệ một số đối tượng làm giả cho Yến 26-28 sổ đỏ với diện tích khoảng 4,5ha. Yến trả công cho Thành hơn 6 tỷ đồng.

Sau đó, Yến giao cho con gái giữ 11 sổ, 1 sổ giao cho người bạn để vay 1,1 tỷ đồng. Số còn lại, Yến liên hệ chính quyền địa phương để xin san lấp mặt bằng. Qua xác minh, nghi ngờ các sổ đỏ này là giả nên lực lượng chức năng đã thu giữ, điều tra xác minh. Tại cơ quan công an, Yến thừa nhận hành vi phạm tội.

Tương tự, tháng 10/2022, Công an TX.Phú Mỹ cũng tiếp nhận, điều tra Đ.N.H. (SN 1992, quê tỉnh Đồng Nai) có hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo đó, Đ.N.H. thuê các đối tượng trên mạng xã hội làm giả sổ đỏ rồi đến Văn phòng Công chứng Phú Mỹ (phường Phú Mỹ) làm thủ tục chuyển nhượng cho người khác thì bị phát hiện.

Cẩn trọng khi giao dịch

Anh Nguyễn Trường (ngụ TX.Phú Mỹ) cho biết, anh rất cẩn trọng khi thực hiện giao dịch bất động sản, đặc biệt với khách hàng lạ mặt. Anh Trường cho rằng các đối tượng làm giả sổ đỏ để lừa tiền cọc vẫn xảy ra, bởi việc mua sổ đỏ giả trên mạng hiện nay rất dễ. Anh Trường chia sẻ: “Chúng tôi thường liên kết với nhau để tìm nguồn giao dịch bất động sản uy tín. Trường hợp gặp sản phẩm nhà đất có giá rẻ bất ngờ hoặc khách hàng lạ mặt, mọi người nên đến Văn phòng công chứng để kiểm tra”.

Trao đổi với phóng viên, một Trưởng Văn phòng Công chứng tại TP.Bà Rịa cho rằng tình trạng làm giả sổ đỏ không phải mới xuất hiện nhưng hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Theo vị này, trong quá trình làm thủ tục giấy tờ, Văn phòng phát hiện một số trường hợp làm giả sổ đỏ và đã báo cơ quan chức năng xử lý. Thủ đoạn của bọn tội phạm có thể là sử dụng sổ thật nhưng làm giả thông tin người bán hoặc làm giả sổ đỏ.

Hiện nay việc mua bán giấy tờ giả trên không gian mạng rất dễ dàng, do đó công chứng viên phải đối chiếu kỹ với mọi giấy tờ, thông tin khách hàng. Những công chứng viên có kinh nghiệm sẽ dễ phát hiện sổ đỏ làm giả do màu sắc kém chất lượng, hoa văn không rõ ràng, thông tin cá nhân không trùng khớp.

“Hiện nay thông tin cập nhật trên phần mềm nên việc làm giả giấy tờ đất đã hạn chế rất nhiều. Ngoài ra chúng tôi còn dùng kính hiển vi, đèn soi để phát hiện những trường hợp lừa đảo”, vị này giải thích.

Theo ông Nguyễn Xuân Diệu, công chứng viên Văn phòng công chứng huyện Xuyên Mộc, trong năm 2022, Văn phòng phát hiện 2 trường hợp mang sổ đỏ giả đến làm thủ tục về đất đai nhằm mục đích lừa đảo nên báo lực lượng công an xử lý và đã có đối tượng bị khởi tố.

“Có trường hợp đối tượng dẫn nạn nhân ra ký hợp đồng chuyển giao tiền, khi chúng tôi phát hiện thì báo ngay cho công an. Văn phòng chúng tôi làm việc nghiêm chỉnh và đối chiếu rất kỹ các thông tin để bảo đảm quyền lợi người dân. Chúng tôi cũng muốn lực lượng chức năng xử lý nghiêm những trường hợp làm giả sổ đỏ để răn đe. Bởi tình trạng giấy tờ giả xảy ra nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động công chứng”, ông Diệu nói.

Theo nhiều công chứng viên, trước tình trạng làm giả sổ đỏ như hiện nay, người dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản nên mang sổ đỏ đến cơ quan có thẩm quyền như Sở TN-MT, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để xác minh hiện trạng nhà đất, tính chính xác của giấy chứng nhận rồi mới giao tiền. Đồng thời cũng có thể xác minh sổ đỏ tại các văn phòng công chứng lớn bởi họ có máy soi hiện đại, đội ngũ công chứng viên giàu kinh nghiệm sẽ giúp phát hiện ra giấy tờ nhà đất giả.
Trong quá trình giao dịch, mua bán nhà đất, nếu thấy đối tác có các dấu hiệu bất thường như giá bán thấp hơn hoặc giá mua cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường; hối thúc giao dịch nhanh; quá thoải mái, dễ dãi khi thực hiện đàm phán; cung cấp thông tin mập mờ... thì người dân cần phải chú ý và kiểm tra giấy tờ cẩn thận.

Bài, ảnh: TRẦN TIẾN

.
.
.