Thủ tục thuận lợi, người dân hài lòng
Sau hơn 1 tháng thực hiện không dùng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy (SHK, STT giấy) theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp khắc phục khi phát sinh sự cố, vướng mắc nên việc bỏ SHK, STT giấy trên địa bàn tỉnh diễn ra khá thuận lợi.
Từ ngày 1/1/2023, công an các địa phương không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu khi đến làm thủ tục hành chính. Trong ảnh: Công an xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
Làm CCCD không cần sổ hộ khẩu
Đầu năm, anh T.V.T. (SN 1995, ngụ xã Châu Pha) đến Bộ phận một cửa TX. Phú Mỹ làm CCCD gắn chíp. Anh được hướng dẫn về Công an xã lấy mã định danh. “Công an xã đã hướng dẫn rõ ràng, cụ thể những giấy tờ tôi còn thiếu để làm CCCD. Sau khi lấy được mã định danh, tôi quay lại làm CCCD gắn chíp và thủ tục rất thuận lợi”, anh T. nói.
Một cán bộ tư pháp UBND xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ) cho biết, theo quy định, từ ngày 1/1/2023, công dân đến làm thủ tục hành chính không cần xuất trình SHK. Thông tin cá nhân đã có trên phần mềm nên việc xử lý hồ sơ cũng nhanh chóng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, công dân vẫn gặp vài vấn đề khó khăn do dữ liệu chưa đầy đủ hoặc chưa cụ thể. Chẳng hạn, dù có xác định nơi cư trú nhưng không xác định rõ thời gian sẽ gây khó khăn cho việc xác định tình trạng hôn nhân. Đối với trường hợp này, cán bộ yêu cầu người dân đến công an xác định thời gian cư trú và quay lại làm những thủ tục tiếp theo.
Lãnh đạo Đội Cảnh sát Quản lý hành chính, Công an TX. Phú Mỹ cho biết, trong năm 2022, đơn vị đã tăng cường tối đa cán bộ tham gia cấp, đổi CCCD gắn chíp cho công dân (cả thường trú và tạm trú) đang sinh sống trên địa bàn. Tổ lưu động của Công an thị xã còn lập danh sách công dân có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, già yếu tại các địa phương và xuống tận nhà để làm thủ tục cấp CCCD cho công dân. Kết quả, năm 2022, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính, Công an TX. Phú Mỹ đã cấp, đổi căn cước cho hơn 39.000 công dân.
“Hầu hết các thông tin đều đã được tích hợp trên hệ thống thông qua mã định danh. Do đó chúng tôi không yêu cầu sử dụng SHK và cũng không thu SHK của công dân”, vị cán bộ này nói.
Công an huyện Xuyên Mộc cũng đẩy mạnh xây dựng Dữ liệu dân cư, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; tổ chức cấp CCCD gắn chíp điện tử và cấp mã định danh điện tử cho tất cả công dân tại địa phương nhằm thay thế SHK, STT giấy.
Theo ông Trần Văn Dững, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, địa phương đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại các tổ dân cư để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mà không phải đến trụ sở cơ quan nhà nước.
“Đến nay, các địa phương cơ bản đã thực hiện nghiêm túc việc không yêu cầu người dân, doanh nghiệp xuất trình SHK, STT giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch dân sự. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và cấp xã đã kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính mà người dân không phải xuất trình SHK, STT giấy, nên việc bỏ SHK chưa phát sinh vấn đề vướng mắc”, ông Trần Văn Dững thông tin.
Tương tự, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cũng cho biết, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp trong giải quyết thủ tục hành chính cho công dân như: tăng cường cấp CCCD gắn chíp, cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân, bảo đảm 100% công dân trong độ tuổi cấp CCCD trên địa bàn huyện được cấp CCCD gắn chíp; cấp thông báo số định danh cá nhân cho 100% công dân trên địa bàn huyện; lắp đặt thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD ở các ngành tại Bộ phận một cửa UBND huyện. UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc huyện áp dụng những phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế SHK, STT giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Do đó, hơn 1 tháng qua kể từ khi bỏ SHK đến nay, việc giải quyết thủ tục hành chính cho công dân không gặp vấn đề rắc rối lớn.
Chủ động giải pháp tháo gỡ
Tuy nhiên ông Nguyễn Tấn Bản cũng cho biết, việc bỏ SHK, STT giấy bước đầu phát sinh một số khó khăn khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính. Đơn cử, khi thực hiện thủ tục biến động đất đai liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình sẽ gặp vướng mắc nếu chưa có sự đồng bộ trong kết nối thông tin, dữ liệu. Nguyên nhân là trước đó, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình thông qua SHK, nay muốn thực hiện giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất thì cần phải có hộ khẩu để chứng minh hộ gia đình gồm những thành viên nào. Do đó, cần một khoảng thời gian để thực hiện, nhất là đối với những khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và chưa quen sử dụng công nghệ thông tin sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, cơ sở vật chất ở một số địa phương để thực hiện đồng bộ SHK với CCCD còn nhiều hạn chế.
“Giải pháp của huyện Châu Đức sau khi bỏ SHK là bảo đảm dữ liệu của công dân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” và thường xuyên cập nhật thông tin công dân khi có thay đổi. Huyện cũng đồng bộ các dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, ban ngành với dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tính nhất quán; số hóa hồ sơ tàng thư cư trú của công dân lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để việc quản lý, khai thác thông tin của công dân đơn giản hơn và hiệu quả”, ông Nguyễn Tấn Bản nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Dương Văn Thơm, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết, thực hiện Luật Cư trú 2020 và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 về việc bỏ SHK, STT giấy, trung tâm đã chủ động gửi văn bản tới các sở, ngành đề nghị rà soát, cung cấp thông tin về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả sau ngày 1/1/2023 đối với các thủ tục hành chính có sử dụng thông tin về nơi thường trú, tạm trú. Trung tâm cũng đề ra nhiều giải pháp khắc phục tạm thời thay thế cho việc xác định thông tin bằng SHK. Các Sở: Tư pháp, LĐ-TB-XH… đã nhanh chóng có thông tin trả lời, giải đáp rất cụ thể, giúp trung tâm hướng dẫn cho người dân kịp thời. Nhiều lĩnh vực gắn chặt với SHK như: đăng ký hành nghề và cấp thẻ công chứng viên; đăng ký hoạt động văn phòng công chứng; thủ tục cấp giấy xác nhận quốc tịch; chế độ chính sách với người có công… đều có các giải pháp khắc phục tạm thời hiệu quả.
Cũng theo ông Thơm, Sở TT-TT đã kết nối và khai thác được dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng nên mọi thủ tục hành chính đều cơ bản thông suốt. “Nhờ có sự chủ động ngay từ đầu và phối hợp nhanh chóng của các sở, ngành, địa phương nên sau hơn 1 tháng bỏ SHK, STT giấy, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh hay nhận được phản ánh của người dân về vướng mắc, khó khăn trong làm thủ tục hành chính liên quan đến SHK, STT”, ông Dương Văn Thơm nói.
Phương thức sử dụng thông tin cá nhân thay thế SHK, STT được các địa phương trong tỉnh thực hiện theo hướng dẫn số 5672/C06-TTDLDC ngày 22/8/2022 của Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, gồm:
- Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú;
- Sử dụng thiết bị đọc mã QRCore trên thẻ CCCD gắn chíp;
- Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD;
- Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, bằng cách truy cập trang web dân cư quốc gia và tra cứu tại địa chỉ https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn;
- Sử dụng ứng dụng VneID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 8/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ);
- Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an);
- Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).
|
Bài, ảnh: HÀN LẬP - MẠNH QUÂN