Mục "quê quán" ghi như thế nào mới đúng?
Theo Luật Hộ tịch, mục quê quán trong giấy khai sinh được ghi theo quê cha (hoặc mẹ), nhưng không phải ai cũng biết điều này, nhất là những người sinh ra và lớn lên ở tỉnh, thành khác với quê quán của cha mẹ.
Người dân (bìa trái) đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND xã Bình Trung. |
Biết quê quán ở đâu mà ghi?
Phản ánh tới Báo Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều người dân tại xã Bình Trung (huyện Châu Đức) cho biết, họ gặp rắc rối về nội dung “quê quán” khi đi làm thủ tục hộ tịch, khai sinh cho con. Người dân cũng thắc mắc việc gia đình nhiều thế hệ của họ sinh ra, lớn lên ở huyện Châu Đức hàng chục năm qua nhưng khi khai sinh phải ghi quê quán ở tỉnh khác.
Anh T.M.T. (ngụ xã Bình Trung) cho biết, hơn 50 năm trước bố mẹ anh rời quê Nghệ An vào huyện Châu Đức lập nghiệp và sinh sống ổn định ở địa phương này cho đến lúc bố mất. Anh em của anh T.M.T. cũng sinh ở huyện Châu Đức rồi lập gia đình, sinh con ở đây. Mới đây vợ sinh, anh T.M.T. mang giấy tờ ra UBND xã Bình Trung làm thủ tục khai sinh cho con. Ở mục “quê quán” trên giấy khai sinh anh được công chức tư pháp-hộ tịch hướng dẫn ghi quê Nghệ An khiến anh khá bất ngờ.
“Từ lúc bố vào miền Nam sinh sống đến lúc mất tôi chỉ biết quê bố ở Nghệ An chứ không biết cụ thể ở xã, huyện nào. Nhưng cán bộ tư pháp yêu cầu phải khai báo cụ thể 3 cấp của quê quán, gồm: xã, huyện, tỉnh khiến tôi không biết được quê mình cụ thể ở đâu để khai”, anh T.M.T. nói.
Tương tự, anh T.V.K. (ngụ xã Bình Trung) cho biết, trước đây khi đi làm khai sinh cho con, anh cũng được cán bộ tư pháp-hộ tịch xã yêu cầu xác định cụ thể quê anh ở xã, huyện nào của tỉnh Nghệ An để ghi quê quán cho con. Trong khi bố mẹ sinh mấy anh em của anh T.V.K. ở huyện Châu Đức và cả gia đình sinh sống hàng chục năm qua mà chưa về quê Nghệ An lần nào. Hàng chục năm, địa danh hành chính cũng đã sáp nhập, thay đổi nhiều càng khó khăn hơn. “Tôi đã phải tìm đủ mọi cách và may mắn liên lạc được với một người bà con ở ngoài Nghệ An để hỏi mới biết được tên của xã, huyện ngoài đó để khai giấy khai sinh cho con”, anh T.V.K. kể.
Những trường hợp là anh em trong một nhà nhưng quê quán lại khác nhau do người theo quê cha, người theo quê mẹ. Luật đã quy định nên người dân phải chấp nhận. Về vướng mắc và ý kiến của người dân về quê quán như đã nêu chúng tôi cũng đã từng kiến nghị, xin ý kiến Bộ Tư pháp nhiều lần nhưng đến nay chưa có thay đổi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng Phòng Hành chính
tư pháp, Sở Tư pháp
|
Cán bộ cũng gặp khó
Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Lệ Thu, công chức Tư pháp-Hộ tịch xã Bình Trung cho hay, chính bà cũng gặp khó khăn với mục “quê quán” khi người dân địa phương tới làm thủ tục hộ tịch. Theo bà Thu, thời điểm trước ngày 1/4/2006, việc thực hiện đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch. Theo đó, mục “quê quán” được ghi theo nơi sinh trưởng của cha đẻ. Nếu không rõ cha đẻ là ai, thì ghi theo nơi sinh trưởng của mẹ đẻ. Trong trường hợp không xác định được cha, mẹ đẻ, thì để trống.
Thời điểm đó, những người tới xã Bình Trung sinh sống, lập gia đình, sinh con ở địa phương thì được ghi quê quán là xã Bình Trung ,huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. “Bên hộ tịch thực hiện vậy nhưng bên công an khi làm các thủ tục về CMND, hộ khẩu họ không chú ý tới khai sinh của hộ tịch mà cứ áp dụng quê quán cha ở đâu thì con quê đó dẫn đến rất nhiều người dân khai sinh ghi quê quán một đằng mà hộ khẩu, CMND thì ghi một nẻo khiến người dân bức xúc, lên UBND xã yêu cầu làm thủ tục cải chính”, bà Thu nói.
Theo bà Thu, từ 1/1/2016 đến nay, việc xác định quê quán trong giấy khai sinh thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014. Cụ thể: “quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”. Do đó, nếu trong giấy khai sinh của bố hoặc mẹ là Nghệ An thì con cũng phải ghi quê quán là Nghệ An.
Cũng theo bà Thu, lúc thu thập dữ liệu dân cư, làm CCCD, rất nhiều người dân địa phương không biết “quê quán” của mình theo 3 cấp: xã, huyện, tỉnh ở đâu để khai báo. “Người dân không chắc chắn thông tin nên cán bộ thu thập dữ liệu cũng sợ ghi theo sẽ sai. Thông tin mà sai sẽ gây ra rắc rối cho người dân khi làm các thủ tục khác, dẫn đến phải cải chính. Do đó, đối với những người biết chính xác quê quán theo 3 cấp thì chúng tôi ghi đủ, còn không biết rõ thì ghi 1 cấp”, bà Thu cho hay.
Nói rõ hơn về quy định “quê quán” trong thủ tục hộ tịch, khai sinh, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng Phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp cho biết, thực hiện thống nhất theo Luật Hộ tịch, mục quê quán trong giấy khai sinh được ghi theo quê cha hoặc mẹ. Cơ quan chức năng tôn trọng việc được lựa chọn theo quê quán theo cha hoặc mẹ của công dân.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN