.

Cẩn thận "sập bẫy" việc làm qua mạng

Cập nhật: 20:30, 22/02/2023 (GMT+7)

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trường hợp “sập bẫy” các đối tượng xấu và bị chiếm đạt tài sản khi tham gia mạng xã hội để tìm kiếm việc làm.

Nhiều nạn nhân sập bẫy qua mạng xã hội với số tiền vài triệu đến vài trăm triệu.
Nhiều nạn nhân sập bẫy qua mạng xã hội với số tiền vài triệu đến vài trăm triệu.

Do muốn có thời gian làm việc linh hoạt, ở nhà vẫn có thể kiếm được tiền, chị P.T.A (SN 1993, trú tại phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) lên facebook tìm việc. Sau đó một đối tượng tự xưng là quản lý ứng dụng “Big Prize” mồi chài chị tham gia làm việc cho ứng dụng này. Công việc của chị A. chỉ cần mua các sản phẩm, khi hoàn tất mua và báo cáo cho chủ nhóm thì sẽ được hoàn cả tiền gốc và hoa hồng. Tuy nhiên khi nạn nhân chuyển tổng cộng 117 triệu đồng (5 lần chuyển) để mua sản phẩm thì nhóm này…mất tích!

Nhan nhản tin rao tuyển CTV online theo kiểu “làm nhiệm vụ, trả tiền liền”.
Nhan nhản tin rao tuyển CTV online theo kiểu “làm nhiệm vụ, trả tiền liền”.

Tương tự, chị N.Y. (phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ) sử dụng mạng xã hội Facebook tham gia vào nhóm tìm việc làm online qua điện thoại. Lúc này, một người trong nhóm đã chủ động xin số điện thoại và liên lạc trực tiếp với để trao đổi về nội dung công việc.

Tin tưởng, chị Y. làm theo hướng dẫn của đối tượng trên và tải ứng dụng “Skype” về, điền thông tin cá nhân và tạo tài khoản. Sau đó, người này giao cho chị Y. nhiệm vụ nhấn "like" và thả tim các bài viết trên ứng dụng Facebook và Tiktok, bằng việc làm này chị Y. nhận được số tiền 500.000 đồng về tài khoản ngân hàng cá nhân của mình.

Ngày hôm sau, sau khi lấy được lòng tin của chị Y., người này đưa ra các gói nhiệm vụ với ưu đãi và số tiền kiếm được nhiều hơn kèm theo điều kiện phải chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng được cung cấp để mua gói.

Sau các lần mua gói nhiệm vụ và hoàn thành số “tiền ảo” kiếm được thể hiện trong ứng dụng “Skype” tăng lên đúng theo hứa hẹn, nhưng chị Y. muốn rút số tiền trên về tài khoản ngân hàng cá nhân, thì phát hiện không thể thực hiện.

Người này yêu cầu phải chuyển thêm tiền vào mới có thể ra “lệnh” rút. Sau đó, chị Y. lần lượt chuyển tiền theo hướng dẫn, nhưng vẫn không thể rút được, biết mình bị lừa chị Y. đã trình báo cơ quan chức năng.

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi khi tự xưng là bộ phận marketing của các sàn thương mại điện tử lớn để chào mời, tạo niềm tin với nạn nhân. Một số người nhẹ dạ, không tìm hiểu kỹ nên đã tham gia "việc làm online" và bị "sập bẫy" lúc nào không hay như trường hợp của bà T.A.Th (SN 1963, ngụ phường Phú Mỹ) bị lừa đảo hơn 320 triệu đồng khi sập bẫy của nhóm “tuyển CTV online”.

Chị N.T ( xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) gần đây cũng  liên tục nhận được những tin nhắn quảng cáo, giới thiệu việc làm với mức thu nhập cực kỳ hấp dẫn, gửi trực tiếp tới số điện thoại cá nhân. Những nội dung tin nhắn này giống hệt nhau, trong đó có đính kèm đường link hoặc tài khoản Zalo để người nhận có thể tham gia.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP HCM), đánh vào tâm lý nhiều người muốn làm việc tại nhà để có thời gian chăm con, muốn kiếm thêm thu nhập..., các đối tượng  thường dùng mọi cách để lôi kéo họ tham gia, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ, cả tin. Ngoài những chiêu lừa đảo như trên thì một số hành vi có dấu hiệu lừa đảo tìm việc mà người tìm việc cần thận trọng như: thu tiền làm hồ sơ tuyển dụng, đặt cọc tiền trước khi chính thức nhận việc, bắt đóng tiền mở tài khoản trả lương, yêu cầu liên kết tài khoản ngân hàng với app (ứng dụng) trả lương. 

Thực tế không khó khăn để nhận ra trò lừa đảo qua mạng. Thông thường kẻ lừa đảo sẽ đưa ra các thông tin chung chung như tuyển vị trí phục vụ, nhân viên trực tổng đài điện thoại, lễ tân… cùng với mức lương tương đối hấp dẫn và một số điện thoại lạ hoắc để liên hệ. Không hề có tên tuổi, địa chỉ công ty, không yêu cầu kinh nghiệm, bằng cấp, độ tuổi… Nếu khi nộp hồ sơ mà bạn bị yêu cầu nộp phí thu hồ sơ, phí giữ chỗ hay phí đặt cọc, tiền đồng phục… thì chắc chắn bạn đã bị lừa.

Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh, những kẻ lừa đảo qua mạng thủ đoạn tuy đơn giản nhưng đối phó và lẩn trốn rất tinh vi. Các số điện thoại, số tài khoản ngân hàng hầu hết đều không chính chủ nên công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí chúng dùng nhiều tài khoản và thực hiện chuyển tiền nhiều lần nhằm xóa dấu vết điều tra. Do đó, người dân khi sử dụng mạng xã hội cần cẩn trọng, xác minh kỹ thực hiện giao dịch và tỉnh táo với những chiêu trò “việc nhẹ lương cao”.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi nhận được lời mời chào tham gia “việc làm online”; chủ động phòng, tránh thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để chủ động phòng ngừa tội phạm, người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: TRẦN TIẾN

 

.
.
.