Hàng năm, các trường từ cấp THCS đến THPT đều có kế hoạch tuyên truyền “nói không” với bạo lực học đường cũng như các buổi sinh hoạt đối với phụ huynh học sinh về góc độ quản lý. Vì sao các vụ bạo lực học đường vẫn diễn ra?
Một tiểu phẩm tuyên truyền về nói không với bạo lực học đường tại Trường THPT Trần Hưng Đạo, TX.Phú Mỹ. |
Mới được tuyên truyền, lại đánh nhau
Như Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã thông tin về vụ ẩu đả giữa các nữ sinh vào chiều ngày 28/11 tại TX.Phú Mỹ giữa 3 em T.T.N.G. và em T.N.T.D., cùng học lớp 10 Trường THPT Phú Mỹ và em Th. (đang học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Mỹ). Khi hai bên thống nhất địa điểm “hẹn gặp mặt nói chuyện”, em D. xảy ra xô xát với G. và Th.
Chỉ sau khi clip phát tán trên mạng xã hội, nhà trường và gia đình các nữ sinh liên quan mới nắm thông tin và vào cuộc xử lý. Ông Lê Trần Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Mỹ cho biết, nhóm nữ sinh đánh nhau và cả người chứng kiến đều không trình báo vụ việc cho nhà trường. Trong khi đó, phụ huynh của các em cũng bất ngờ khi được mời lên làm việc về sự việc này.
Trước đó, cuối tháng 10/2022, Đoàn trường THPT Phú Mỹ đã tổ chức chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”. Gần nhất, ngày 21/11, trong tiết chào cờ, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã tuyên truyền về việc “Sử dụng mạng xã hội tích cực trong học tập” để ngăn ngừa, giảm thiểu mâu thuẫn dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Thế nhưng, chỉ một tuần sau đó, vụ bạo lực học đường lại xảy ra.
Ông Dương Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (TX.Phú Mỹ) cho rằng công tác giáo dục học sinh cấp THPT cần được quan tâm hơn nữa bởi đây là độ tuổi nhạy cảm, dễ bị cảm xúc chi phối. Hằng năm, ở trường THPT Trần Hưng Đạo vẫn có những mâu thuẫn giữa các nhóm học sinh. Khi nắm thông tin vụ việc, nhà trường đã khẩn trương ngăn chặn, mời các em vào phòng riêng để trao đổi, giải thích cũng như yêu cầu viết cam kết không tái phạm.
“Vẫn có các em bướng bỉnh, khó dạy bảo. Giáo viên sâu sát, nắm bắt hoàn cảnh của các em sẽ giảm nguy cơ bạo lực học đường. Từ khi có quy định mới về hình thức kỷ luật học sinh, nhà trường cũng không đình chỉ hay nêu tên các em trước trường”, ông Bình nói.
Chế tài cần đủ sức răn đe
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua, ngành giáo dục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn tâm lý… trong nhà trường để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng bao lực học đường vẫn diễn ra ở một số nơi.
Theo bà Châu, trong hơn 2 tháng trở lại đây đã xảy ra 2 vụ bạo lực học đường mà nguyên nhân đều xuất phát từ vấn đề tâm sinh lý, tình cảm của HS. Bà Châu nói: “Có thể thấy rằng, công tác tuyên truyền, tư vấn tâm lý học đường trong trường học hiện nay vẫn chưa đạt hiệu quả, chất lượng. Đơn cử tại Trường THPT Phú Mỹ, nhà trường vừa tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề về bạo lực học đường, tư vấn tâm lý học đường thì sau đó lại xảy ra vụ HS đánh nhau nói trên”.
Bên cạnh đó, chế tài xử lý hành vi bạo lực học đường chưa đủ sức răn đe. Trước đây, theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD-ĐT, HS vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức: Phê bình trước lớp, trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn. Hiện nay, theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về ban hành điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thì hình thức kỷ luật đối với HS vi phạm ở mức nhẹ hơn, chỉ là nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để HS khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ HS; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác. Hình thức kỷ luật này chưa đủ sức răn đe với hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn trong trường học bằng cách nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý học đường, có sự tham gia của các chuyên gia để hoạt động này ngày càng chuyên nghiệp và bài bản hơn. Cùng với đó, ngành giáo dục sẽ phối hợp với công an các địa phương để tuyên truyền pháp luật cho HS, giúp các em hiểu rằng hành vi bạo lực nói trên không chỉ vi phạm quy định của nhà trường, của ngành mà còn vi phạm pháp luật. Thậm chí, những hành vi mang tính chất nghiêm trọng có thể bị xử lý trước pháp luật. Riêng hai vụ việc vừa diễn ra đã có sự vào cuộc của cơ quan công an để tạo tính răn đe.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI - HÀN LẬP