Vỡ mộng mua "giày" ngàn USD để đi bộ kiếm tiền
Bỏ ra hàng ngàn USD mua “giày” để được tham gia CLB “đi bộ kiếm tiền”, nhiều người nhanh chóng vỡ mộng khi App đi bộ kiếm tiền bị “sập”, tiền đầu tư mua giày mất trắng.
Ông T.V.V. đầu tư hàng ngàn USD để tham gia CLB đi bộ kiếm tiền nhưng nhanh chóng vỡ mộng vì “sập” App, mất tiền. |
Đi bộ cũng có tiền?
Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông T.V.V. (SN 1967, ngụ huyện Châu Đức) cho biết, ông bị lừa hàng ngàn USD mua “giày ảo” để tham gia CLB “đi bộ kiếm tiền”.
Theo ông T.V.V., giữa tháng 7/2022, thông qua giới thiệu của bạn bè, ông gặp ông Đ.A.T. (ngụ tỉnh Bình Phước). “Ông Đ.A.T. giới thiệu mình là luật sư, doanh nhân thành đạt và là người nổi tiếng. Tài khoản zalo của ông Đ.A.T. còn đăng hình ông này chụp chung với nhiều diễn viên, người nổi tiếng, tham dự nhiều sự kiện lớn nên tôi rất tin tưởng”, ông T.V.V. kể.
Sau đó, ông Đ.A.T. giới thiệu cho ông T.V.V. cùng nhiều người khác tham gia vào CLB “đi bộ kiếm tiền” nhằm mục đích vừa thể dục nâng cao sức khỏe vừa có thu nhập hấp dẫn. Để tham gia CLB, thành viên phải mua “giày ảo” trên App do ông Đ.A.T. giới thiệu. Những đôi “giày ảo” có giá từ 100-5.000 USD với giá trị tích điểm để quy đổi ra tiền cũng chênh lệch tương ứng. “Ông Đ.A.T. cam kết chương trình trường tồn, nếu mất tiền ông Đ.A.T. sẽ đền nên tôi đồng ý mua 2 đôi “giày ảo” trên App với giá gần 5.000 USD”, ông T.V.V. nói.
Theo hướng dẫn của ông Đ.A.T., ông T.T.V. chuyển tiền vào “ví” trên sàn giao dịch Remitano để đổi thành USDT. “Tiếp đó, ông Đ.A.T. trực tiếp cầm điện thoại của tôi thao tác chuyển tiền từ “ví” đi mua “giày ảo”. Sau khi mua 2 đôi giày, ông Đ.A.T. chỉ tôi cài App BINAN STEP, để bắt đầu tham gia chương trình đi bộ kiếm tiền”, ông T.V.V. kể.
Theo ông T.V.V., chỉ cần mở App BINAN STEP, cầm điện thoại đi bộ là App sẽ bắt đầu ghi nhận số bước chân, thời gian di chuyển để tính điểm. Điểm số được ghi nhận đến một mức độ nhất định sẽ quy đổi thành tiền và trả qua “ví” trên sàn giao dịch dịch điện tử. Điểm số được trả theo giá trị dao động của thị trường hàng ngày. Ngày đầu, ông T.V.V. đi bộ được gần 15.000 điểm và đổi được 400 ngàn đồng. Những ngày tiếp theo, điểm số tăng cao hơn nhưng tiền lại sụt giảm dần. Sau 7 ngày từ khi bắt đầu chuơng trình, ông T.V.V. không còn đổi điểm số thành tiền được nữa.
“Lúc này tôi liên lạc với ông Đ.A.T. thì ông này vẫn khẳng định là chương trình không sao và còn động viên người chơi. Nhiều lần sau đó, ông Đ.A.T. báo bận, lúc thì nói đang nhập viện và cố tình né tránh. Lần sau cùng tôi liên lạc để yêu cầu giải quyết số tiền mua giày thì ông Đ.A.T. nhắn tin trả lời: “Tôi cũng bị lừa” và không còn liên lạc được nữa”, ông T.V.V. chán nản nói.
Hiện nay, tài khoản trên app BINAN STEP của ông V. cũng không thể đăng nhập. Trong tài khoản có hơn 4 triệu điểm, nếu đổi ra tiền như giá trị ban đầu thì được khoảng hơn 3.000 USD cũng không thể lấy.
Cùng được giới thiệu và tin tưởng ông Đ.A.T. nên ông T.X.V. (ngụ huyện Châu Đức) mua 1 đôi “giày ảo” trên App BINAN STEP với giá hơn 160 USD để tham gia CLB “đi bộ kiếm tiền” và nhanh chóng vỡ mộng vì chương trình bị “sập”. “Tôi tin tưởng ông Đ.A.T. vì thấy ông thành đạt và nổi tiếng. Tham gia CLB với mục đích cho vui, đi bộ có sức khỏe. Khi chương trình “sập”, tôi liên lạc nhưng ông Đ.A.T. không nghe máy. Chúng tôi lớn tuổi, thông tin trên mạng cũng kém nên khi biết mình bị lừa, tôi cảm thấy rất hụt hẫng”, ông T.X.V. bức xúc kể.
Tương tự, ông P.Đ.C. (ngụ huyện Xuyên Mộc) cũng được ông Đ.A.T. giới thiệu mua 2 đôi “giày ảo” trị giá gần 90 triệu đồng để tham gia CLB đi bộ kiếm tiền. Nhưng chỉ sau khoảng thời gian ngắn, tài khoản App BINAN STEP bị khóa khiến ông mất số tiền đầu tư mua giày. “Khoảng 1 tuần đầu tiên tham gia tôi chỉ kiếm được một chút tiền. Sau đó chương trình bị ngưng hẳn. Giờ số tiền bỏ ra mua giày chịu mất chứ biết đòi ai”, ông P.Đ.C. chua chát nói.
Nên tố cáo tới cơ quan công an
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Đ.A.T. cho rằng ông không “quen biết” ông T.V.V. mà chỉ qua người khác giới thiệu. “Tôi là người tham gia chương trình này trước, thấy App đi bộ kiếm được tiền nên tôi giới thiệu, chia sẻ cho những người khác. Ông T.V.V. thấy có lợi nhuận thì đầu tư, đây là tự nguyện tham gia”, ông Đ.A.T. nói.
Ông Đ.A.T. cho rằng do ông T.V.V. không rành nên mình mới hướng dẫn cách mua giày và sử dụng App. “Tôi cũng là nhà đầu tư giống ông T.V.V. App “chết” tôi cũng “chết”. Tôi còn thiệt hại nhiều hơn ông T.V.V. cả chục lần thì lấy tiền đâu mà đền cho ông T.V.V.”, ông Đ.A.T. nói và cho rằng: “Chương trình này như là cái game. Game bội chi quá, không đủ khả năng chi trả thì bị sập”.
Theo luật sư Đỗ Văn Hoãn (Văn phòng Luật sư Đỗ Lê), trường hợp những thông tin ông T.V.V. trình bày như trên là đúng sự thật thì ông Đ.A.T. có dấu hiệu vi phạm vào Điều 290, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. “Ông T.V.V. nên làm đơn tố cáo ông Đ.A.T. gửi tới Công an huyện Châu Đức hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm Công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh”, luật sư Đỗ Văn Hoãn nói.
Trao đổi với phóng viên, ông T.V.V. cho biết thêm, đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông Đ.A.T. tới Công an huyện Châu Đức. “Tiền mất thì mất rồi nhưng tôi không chấp nhận kiểu lừa đảo vậy. Tôi phải tố cáo vụ việc để cảnh báo tới mọi người khác”, ông T.V.V. nói.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN