Án hành chính đều liên quan đến đất đai
Ngày 4/10, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã giám sát tình hình triển khai thực hiện công tác thi hành án hành chính (THAHC) với UBND tỉnh. Tại buổi giám sát, đại diện Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đã nêu ra một số khó khăn vướng mắc trong việc triển khai THAHC cần được tháo gỡ.
Ông Trần Tuấn Lĩnh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
370 quyết định hành chính bị khiếu kiện
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ ngày 1/10/2016 đến 30/6/2022, có 370 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện. Các quyết định hành chính bị khởi kiện chủ yếu liên quan đến đất đai, nhà cửa - chiếm khoảng 95%, còn 5% là liên quan đến quyết định xử phạt hành chính. Phần lớn các quyết định hành chính bị khởi kiện là do UBND cấp huyện ban hành và giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính của mình. Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
Những loại quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh bị khiếu kiện gồm: cấp Giấy CNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất; việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai khi các bên đương sự không có một trong các giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013...
Cũng trong thời gian trên, có 15 bản án quyết định của TAND về vụ án hành chính đã được thi hành. Trong đó, 7 trường hợp tự nguyện THA, còn 8 bản án bị buộc THA.
Ông Võ Đức Tùng, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, thời gian qua, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương khi nhận được bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật các cơ quan đều triển khai thực hiện nghiêm túc. UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc công tác THAHC, đặc biệt là các bản án còn tồn động. Đối với những bản án, quyết định có nội dung đơn giản thì yêu cầu tổ chức thi hành ngay, nếu nội dung phức tạp liên quan đến nhiều ngành nhiều cấp thì phối hợp đề xuất phương án giải quyết.
Chấp hành nghiêm túc bản án, quyết định của tòa án
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THAHC vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, đa số các vụ án hành chính phải thi hành liên quan đến đất đai, như bồi thường thu hồi đất, trả lại đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là lĩnh vực phức tạp và còn tồn tại nhiều bất cập về pháp lý, đặc biệt là liên quan đến bồi thường thu hồi đất phải tiến hành khảo sát giá đất cụ thể, xác định ranh giới, diện tích thực tế để làm căn cứ phê duyệt phương án bồi hường. Việc xác định nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất của tổ chức, cá nhân để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường qua nhiều giai đoạn, nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian nên việc thi hành án chưa đáp ứng đúng thời hạn theo quy định (30 ngày)...
Về vấn đề kinh phí bồi thường cho người dân, bà Trần Thị Bạch Huệ, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu ý kiến, nguồn kinh phí để thực hiện các bản án hành chính cũng đang gặp vướng mắc, không có nguồn để thực hiện. “Nếu không có nguồn tiền để thực hiện việc bồi thường cho người dân thì thi hành án sẽ kéo dài. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện cũng kéo dài”, bà Huệ nói.
Còn bà Phạm Thị Tuyết Trinh, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt vấn đề, qua giám sát tại các huyện, thành phố về THAHC, việc phê duyệt bảng giá đất thực hiện vẫn còn chậm làm cho việc thi hành các bản án lâu. “Việc khảo sát giá đất tại thời điểm quyết định thu hồi đất hay tại thời điểm phiên tòa có hiệu lực cần giải quyết dứt điểm, tránh khi thực hiện xong phải thực hiện lại”, bà Trinh nhấn mạnh.
Giải đáp về nguồn kinh phí và xác định thời điểm khảo sát giá đất, ông Trần Văn Thọ, Trưởng phòng Quản lý giá - Công sản & Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) cho biết, về kinh phí để bồi thường cho người dân đối với vụ án hành chính tòa tuyên người dân thắng kiện trong việc bồi thường đất thuộc các dự án đầu tư công đã quyết toán xong, chủ đầu tư dự án phải làm việc với Sở KH-ĐT bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và trình HĐND tỉnh thông qua. Trên cơ sở đó, ứng nguồn từ ngân sách chi trả cho người dân và khi đã bố trí vốn thì hoàn trả. Việc chi trả trong trường hợp này không lấy trực tiếp từ vốn ngân sách mà phải lấy từ vốn đầu tư công. Đồng thời phải có quyết toán bổ sung cho các dự án đã quyết toán xong. Giá đất để thực hiện bản án tại thời điểm có quyết định thu hồi đất (Điều 74 Luật đất đai 2003).
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm về những hạn chế còn tồn tại; khẩn trương rà soát, có kế hoạch cụ thể, giải pháp quyết liệt để tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc còn tồn đọng với nguyên tắc bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực phải được chấp hành nghiêm túc, bảo đảm kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nhà nước. Đối với những vụ việc còn vướng mắc, khó khăn phải kịp thời chỉ đạo, phối hợp tháo gỡ hoặc báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo, tháo gỡ.
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Trần Tuấn Lĩnh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh cho biết, để nâng cao công tác thi hành án hành chính trong thời gian tới cần phải quan tâm tuyên truyền về pháp luật cho đội ngũ tham mưu ra các quyết định hành chính. Việc phân công theo dõi các vụ việc án hành chính cũng cần phải xem lại, tỉnh thì Cục Thi hành án dân sự, còn ở các huyện, thành phố nơi thì giao cho Phòng TN-NT, nơi thì giao cho Phòng Tư pháp. Vì vậy, cần có chỉ đạo thống nhất các cơ quan tham gia các vụ án hành chính, không nên phân công cơ quan tham mưu tổ chức thực hiện làm nhiệm vụ này. Do đa phần các vụ án hành chính đều liên quan đến đất đai, đất công, vì vậy UBND tỉnh cần chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất công. Cùng đó, nâng cao chất lượng của những người đại diện tham gia các phiên tòa, phải chọn người có năng lực, am hiểu pháp luật.
SA HUỲNH - MẠNH QUÂN