Cẩn trọng khi phát ngôn trên mạng xã hội
Những bình luận, những câu chuyện tung lên mạng xã hội tưởng chừng như vô hại nhưng có thể để lại hậu quả khó lường. Tác giả những phát ngôn đó có thể bị phạt 7 năm tù.
Người dùng mạng xã hội thiếu kiểm soát những bình luận rất dễ bị xử phạt. |
Đủ chuyện trên mạng xã hội
Lâu nay người dùng mạng xã hội (MXH) vẫn râm ran “bốc phốt” đời tư của các ngôi sao, hay những màn đấu khẩu của các tiktoker. Được đà, cư dân mạng lại có dịp thoải mái phát ngôn, “cào phím” xoay quanh những câu chuyện này. Có người nhận xét, bình phẩm hoặc miệt thị với ngôn từ thiếu văn hóa.
Chỉ sơ ý trong lời nói, vài hình ảnh bị rò rỉ hoặc “chuyện trong nhà” của một người nổi tiếng nào đó cũng đủ trở thành chủ đề cho hàng trăm, hàng ngàn người sẵn sàng nhảy vào “góp vui”. Thậm chí, có cả những người dùng tự xưng là hàng xóm của các idol để thêm thắt những tình tiết độc lạ mà chưa từng được công bố. Dưới áp lực dư luận, có người phải lên tiếng đính chính, cũng có người vì sức ép mạng xã hội đã khóa tài khoản đợi… sóng yên biển lặng!
Đơn cử, hồi tháng 6/2022, chúng tôi tiếp xúc với anh N.V.T. (29 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh), người bị “khủng bố” vì giống với hành khách hành hung một tài xế tài tỉnh Bình Phước. Theo đó, một đoạn clip ghi lại cảnh nam hành khách có biểu hiện say xỉn bất ngờ tấn công tài xế khiến nạn nhân bị chấn thương, chảy nhiều máu; vụ việc xảy ra tại TX. Đồng Xoài (Bình Phước). Đoạn clip này nhanh chóng được phát tán gây bức xúc dư luận cả nước. Ngay sau đó, nhiều tài khoản đã “tố” anh T. là thủ phạm.
Chưa tìm hiểu rõ, cư dân mạng rầm rập “khủng bố” anh T. bằng hàng trăm cuộc gọi, hàng ngàn tin nhắn kèm lời đe dọa, xin địa chỉ đến tận nhà xử khiến anh hoảng hồn. “Người hiểu chuyện thì hỏi trước, còn nhiều người chưa kịp nói chuyện đã lăng mạ liên tục từ khuya đến sáng. Tôi phân trần việc tìm nhầm địa chỉ nhưng họ không nghe”, anh T. kể.
Những lời bình luận ác ý, những sự việc chưa được kiểm chứng khi được đưa lên mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng danh dự của người khác, thậm chí đó là câu chuyện sống còn của một phận người.
Phát ngôn bậy...coi chừng bị phạt!
Cuối tháng 8 vừa qua, cư dân mạng râm ran thông tin ông N.V.Đ. (SN 1965, ngụ huyện huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) treo cổ tự tử nghi bị xúc phạm trên MXH. Theo đó, vào chiều 25/8, một số fanpage trên facebook đã đăng nội dung, kèm hình ảnh đề cập đến ông Đ. có hành động kỳ quặc ở công viên.
Người nhà ông Đ. sau đó đã đọc được nội dung trên MXH, tuy nhiên đến sáng hôm sau ông được phát hiện tự tử trong phòng. Gia đình ông bức xúc vì nghi ngờ nội dung xúc phạm trên MXH đã khiến ông hành động như vậy. Một nhân chứng cho biết, thời điểm tại công viên nạn nhân đã nhậu và có thể có những hành động chưa đúng mực nhưng không phải người biến thái. Sau vụ việc, cơ quan công an tiến hành xác minh làm rõ nội dung đăng trên MXH và điều tra nguyên nhân khiến ông Đ. tự tử.
MXH là quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân, người dùng. Tuy nhiên, nếu người dùng phát ngôn, bình luận theo cách lăng mạ, xúc phạm, vu khống thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), tại Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm sử dụng dịch vụ MXH có nêu rõ: người nào chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư cá nhân bị phạt từ 20-30 triệu đồng.
Nếu lợi dụng MXH để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù cao nhất là 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Hành vi “Vu khống người khác” quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), với khung hình phạt cao nhất là 7 năm đối với hình phạt tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Bài, ảnh: TRẦN TIẾN