.

Mất tiền tỷ từ không gian mạng

Cập nhật: 17:39, 12/07/2022 (GMT+7)

Gần đây, Phòng Cảnh sát an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (PA05), Công an tỉnh đã triệt phá, khởi tố nhiều nhóm, đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao, “ẵm” hàng tỷ đồng của nạn nhân.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhiều thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sập bẫy lừa đảo

PA05 Công an tỉnh vừa triệt phá chuyên án sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Công an bắt giữ 15 đối tượng, trong đó Nguyễn Hữu Đạt (SN 1999, quê Bình Định) cầm đầu. Theo điều tra, nhóm của Đạt đã lừa đảo hàng trăm tỷ đồng của nhiều người trên cả nước.

Trước đó, từ trình báo của nạn nhân tại TP. Vũng Tàu về việc bị một nhóm lừa đảo trên mạng với số tiền 1,8 tỷ đồng, PA05 vào cuộc điều tra và đã bắt giữ 15 đối tượng nêu trên. Tại cơ quan công an, nhóm này khai nhận sử dụng internet, sim điện thoại, mua các thiết bị máy tính để tạo tài khoản telegram, sau đó phân chia nhiệm vụ lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư vào sàn nhị phân quốc tế Hollmann, với hứa hẹn hưởng lợi nhuận từ 4% - 10% mỗi ngày. Số tiền lãi được lấy từ túi tiền của chính nạn nhân để trả cho họ. Sau đó chúng tìm cách làm cháy tài khoản của các nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, đầu tháng 4, ông P. (ngụ TP. Vũng Tàu) đến PA05 trình báo bị nhóm giả danh công an gọi điện lừa hơn 9 tỷ đồng. Theo trình báo, ông P. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +1884 tự xưng là Nguyễn Mạnh Cường, hiện đang công tác tại “Phòng lưu trữ hồ sơ” liên lạc đến nạn nhân để thông báo lệnh bắt tạm giam. Kẻ này tiếp tục kết nối cho một “cán bộ” khác tên Tùng công tác tại Công an TP. Hà Nội đe doạ ông P.

Trao đổi qua điện thoại, ông P. được yêu cầu cung cấp thông tin do có liên quan đến đường dây buôn ma túy, rửa tiền. Sau đó, nhóm này liên lạc qua viber để gửi những hình ảnh giả mạo Viện kiểm sát, yêu cầu ông P. chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm đến các tài khoản (TK) ngân hàng mà nhóm này cung cấp nhằm “phục vụ công tác điều tra”. Tâm lý hoảng sợ, nạn nhân đã chuyển hơn 9 tỷ đồng cho các đối tượng. Sau khi nhận tiền, nhóm này “mất tích”. Nạn nhân tá hỏa khi phát hiện mình bị lừa đảo.

Nâng cao cảnh giác

Thực tế hiện nay, qua số điện thoại, các trang mạng như facebook, zalo, telegram… rất thường xuyên xuất hiện lời mời chào vay vốn, tham gia đầu tư sinh lời, đầu tư sàn giao dịch ngoại hối (Forex), sàn nhị phân...

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi truy cập vào fanpage “Đầu tư forex – ngoại hối” với 23 ngàn thành viên tham gia. Tại đây các “chuyên viên” liên tục quảng bá các sàn uy tín, có tỷ lệ lợi nhuận cao… thậm chí bảo đảm không thua!

Tài khoản Hoài Lê trong fanpage này mời chào: “Sàn Forex4you hoạt động 13 năm, thanh khoản nhanh, nạp rút miễn phí. Hỗ trợ tín hiệu tỉ lệ an toàn 80% - đảm bảo lợi nhuận 30%/tháng”. Tiếp đó là đường link vào nhóm zalo để các chuyên viên tận tình hướng dẫn làm giàu. Sau đó là hàng loạt lời mời chào tương tự, thậm chí có những tài khoản tự xưng là chuyên viên có thể gỡ vốn đối với tài khoản đang thua lỗ hoặc bị lừa đảo.

Thực tế cho thấy đã rất nhiều nạn nhân bị lừa đảo từ vài chục triệu đến hàng trăm, hàng tỷ đồng chỉ vì ham lợi nhuận mà đầu tư vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc.

Theo Thượng tá Đinh Xuân Minh, Trưởng Phòng PA05, các loại tội phạm phi truyền thống sử dụng công nghệ cao để vi phạm pháp luật hoạt động rất tinh vi, đa dạng thủ đoạn lừa đảo và nhanh chóng xóa dấu vết.

Với thủ đoạn “đầu tư thông minh” như mời gọi tham gia các sàn giao dịch ngoại hối, sàn nhị phân kiếm lãi khủng mỗi ngày, các nhóm lừa đảo tung lực lượng tìm “con mồi” trên khắp mạng xã hội, số điện thoại. Khi các khách hàng có tâm lý “thử vận may” ở môi trường đầu tư mới, chúng sẽ đưa con mồi vào các group zalo, telegram do chúng lập ra.

6 tháng đầu năm 2022, PA05 Công an tỉnh đã tiếp nhận 27 vụ việc, 7 đối tượng liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trong đó đã khởi tố 4 vụ, tạm giữ 5 đối tượng và kết thúc đấu tranh 2 chuyên án.

Hội nhóm do chúng lập ra hầu hết thành viên đều là chim mồi. Chúng liên tục gửi hình ảnh đặt lệnh thắng (có lời sau khi đầu tư – PV) và khoe lãi khủng mỗi ngày nhằm tạo độ tin cậy. Sự nhiệt tình của đối tượng lừa đảo đội lốt “chuyên viên đầu tư” cùng chim mồi sẽ khiến nhiều người ảo tưởng về lợi nhuận và đầu tư tiền vào các sàn ảo do chúng điều hành. Để rồi khi bị lừa sạch tiền, nhóm lừa đảo cũng mất tích, những hội nhóm trên mạng xã hội bỗng dưng bị giải tán. Các nạn nhân bừng tỉnh thì tiền đã không cánh mà bay.

Không chỉ vậy, thời gian qua còn rộ lên tình trạng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, bưu điện để “gài bẫy”, yêu cầu người dân chuyển tiền vì liên quan đến án hình sự, đường dây buôn lậu hay phạt nguội… Chúng dùng thái độ đe dọa để đánh vào tâm lý sợ hãi của người dân và yêu cầu cung cấp thông tin cũng như các tài khoản cá nhân để “kiểm tra, xác minh”.

Theo Thượng tá Đinh Xuân Minh, thủ đoạn nổi cộm hiện nay mà nhóm tội phạm phi truyền thống sử dụng là lừa đảo vay vốn, kêu gọi tham gia sàn giao dịch, sử dụng dịch vụ cuộc gọi trên nền internet (VoIP) giả danh lực lượng công an, viện kiểm sát dọa nạn nhân sau đó lừa chuyển tiền. Các số mà nhóm này liên lạc đến thường có đầu số như: +840…, +882…, +94(10)…, +94(70)…

“Các đối tượng gọi để dọa những bị hại có liên quan đến đường dây buôn ma túy, rửa tiền, yêu cầu các bị hại phải kê khai, nộp toàn bộ số tiền vào số tài khoản do bọn chúng chỉ định để theo dõi, điều tra làm rõ. Sau đó trấn an bằng cách hứa trả tiền lại khi không phát hiện vi phạm. Mặt khác, chúng gửi hình ảnh lệnh bắt, lệnh phong tỏa tài sản cho bị hại xem qua zalo để tạo lòng tin và yêu cầu bị hại không cho người khác biết, sau khi nhận được tiền chúng sẽ cắt liên lạc”, Thượng tá Đinh Xuân Minh nói.

Nhằm ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng, tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao cần có sự cảnh giác của tất cả mọi người.  PA05 cho biết cơ quan công an chỉ làm việc trực tiếp, không làm việc, thông báo qua điện thoại, mạng xã hội, do đó người dân cần cảnh giác với những hình thức lừa đảo này. Ngoài ra, không chuyển tiền theo yêu cầu của người quen biết qua mạng xã hội; nếu người thân quen phải xác thực thông tin qua điện thoại hoặc gọi trực tiếp. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như CCCD, CMND, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng. Khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Bài, ảnh: TRẦN TIẾN

.
.
.