MA TÚY - HIỂM HỌA KHÔN LƯỜNG

Kỳ 3: Nên xem nghiện ma túy là bệnh mãn tính

Chủ Nhật, 17/07/2022, 17:16 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Minh Ân, Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là cơ sở cai nghiện) khi đề cập đến những người đang điều trị trong cơ sở và ngoài xã hội. Người nghiện ma túy cần được chữa trị tận gốc và quá trình này sẽ kéo dài.

Nhân viên cơ sở cai nghiện giám sát hoạt động của học viên thông qua hệ thống camera.
Nhân viên cơ sở cai nghiện giám sát hoạt động của học viên thông qua hệ thống camera.

Tàn phá sức khỏe

Nhiều năm liền gắn bó với công tác điều trị cho người nghiện ma túy, ông Nguyễn Đình Đại, Phó phòng Y tế cơ sở cai nghiện cho biết, từ giai đoạn tiếp nhận học viên (HV) để cắt cơn, giải độc đến ngày họ được tái hòa nhập cộng đồng là cả một quá trình dài. Người có ý chí quyết tâm sẽ hoàn thành giai đoạn cắt cơn trong vài ngày, nhưng cũng có trường hợp kéo dài hàng tháng.

“Ma túy ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, đặc biệt là ma túy tổng hợp. Chúng gây di chứng lâu dài về não, rối loạn tâm thần, thay đổi tâm sinh lý. Có HV phải cắt cơn khoảng 1 tháng mới ổn định tâm lý”, ông Đại chia sẻ.

Ông Đại cho biết thêm, ông đã không ít lần điều trị cho những HV bị tổn thương nặng về não. Những trường hợp này buộc phải chuyển đi điều trị tại bệnh viện tâm thần. Với những trường hợp kích động trong giai đoạn cắt cơn, cơ sở bố trí lực lượng theo dõi, đưa HV vào phòng riêng giám sát. Đây là giai đoạn khó khăn nhất mà HV phải trải qua.

Cũng có thâm niên 18 năm gắn bó với cơ sở cai nghiện cho biết, ông Phạm Chuẩn Tranh, Trưởng phòng Tư vấn-Giáo dục cho hay, mỗi loại ma túy sẽ nhắm tới những đối tượng khác nhau. HV vào cơ sở (diện cai nghiện bắt buộc) với những ngành nghề xe ôm, công nhân, lao động tự do “chuộng” heroin hơn, còn người trẻ dưới 35 tuổi lại sử dụng ma túy đá nhiều hơn. 

“Ma túy “biến hình” theo thời gian để len lỏi vào đời sống xã hội. Bằng nhiều cách khác nhau, chúng tiếp cận lúc cảm xúc cá nhân đang mất kiểm soát và khiến họ không thể dứt ra khỏi cơn ảo giác”, ông Tranh nói.

Học viên L.V.C. (ngụ TX. Phú Mỹ) ngày đầu đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở.
Học viên L.V.C. (ngụ TX. Phú Mỹ) ngày đầu đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở.

Không nên kỳ thị

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Phạm Minh Ân cho biết, hiện cai nghiện tự nguyện tại cơ sở và tại nhà có nhiều đổi mới, thủ tục cũng đơn giản hơn rất nhiều. Số lượng HV đến đăng ký cai nghiện tự nguyện thời gian gần đây có dấu hiệu tăng dần. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh.

Việc giúp người cai nghiện thành công không hề dễ dàng. Đó là quá trình điều trị có phác đồ và kéo dài, người nghiện cần trải qua các giai đoạn cắt cơn, giải độc,  ổn định tâm lý, sau đó được tư vấn giáo dục nhằm tái hòa nhập cộng đồng. Muốn làm điều đó thì bản thân người nghiện ma túy cần có ý chí quyết tâm, cùng với đó là sự ủng hộ từ hậu phương, gia đình, xã hội để họ xóa bỏ mặc cảm.

Tuy nhiên, cơ sở đến nay vẫn thường xuyên tiếp nhận những HV vài lần tái nghiện. Một số người cũng có thể hiện quyết tâm cai nghiện, tinh thần tự giác và sẵn sàng tái hòa nhập cộng đồng. Những định kiến xã hội và sự kỳ thị của những người xung quanh khiến họ bế tắc, dễ đi vào vết xe đổ.

“Nhiều người vẫn có thái độ kỳ thị người đã cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, thậm chí kể cả gia đình họ. Chúng ta nên coi nghiện ma túy là căn bệnh mãn tính để điều trị”, ông Phạm Minh Ân nói.

Theo ông Ân, xã hội cần tạo cơ hội để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng và  giải quyết vấn đề việc làm để họ có định hướng thay đổi bản thân trong tương lai. Về phía cơ sở cai nghiện, thời gian qua, cơ sở cũng thường xuyên tổ chức văn nghệ, hội thao, tạo môi trường vui chơi. Đặc biệt vào dịp lễ, ngày cuối tuần, cơ sở tạo điều kiện cho HV có thời gian tâm sự với người thân để kết nối tình cảm từ gia đình. Từ đó, HV sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện trở về địa phương cũng bớt tâm lý e ngại, mặc cảm.

 (Còn tiếp)

Bài, ảnh: TRẦN TIẾN-TIỂU THIÊN

;
.