.

Tương lai mờ mịt sau vụ tai nạn giao thông

Cập nhật: 20:07, 28/04/2022 (GMT+7)

Tòa án nhân dân TX. Phú Mỹ vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xẻ vụ án “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” đối với bị cáo Nguyễn Trọng Hiệp (SN 1981, quê Nam Định). Vụ tai nạn khiến em Trần Thị Hồng (SN 2004) bị thương tật 87%.

Không có tiền bồi thường?

Theo cáo trạng, sáng 20/5/2020, Nguyễn Trọng Hiệp (nhân viên lái xe của Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Thiên Định Vũng Tàu) điều khiển xe ben, BKS 72C-158.81, chở đất từ phường Phước Hòa (TX. Phú Mỹ) về tập kết tại TP. Vũng Tàu. Đến khoảng 10 giờ 30 cùng ngày, Hiệp chạy xe đến đường Trường Sa, theo hướng từ QL51 đi xã Long Sơn, thì thấy chiếc xe tải chạy phía trước nên Hiệp vượt phải rồi tông vào đuôi xe máy mang BS 72AC-058.75, do em Trần Minh Lực (SN 2004, ngụ xã Long Sơn) chở em Trần Thị Hồng, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo ngồi phía sau.

Vụ tai nạn khiến em Trần Thị Hồng (áo trắng) mất chân trái cùng nhiều thương tích khác.
Vụ tai nạn khiến em Trần Thị Hồng (áo trắng) mất chân trái cùng nhiều thương tích khác.

Vụ tai nạn khiến hai em bị thương, trong đó em Hồng bị thương nặng. Kết quả giám định thương tích, Hồng bị tháo khớp háng trái, gãy ụ ngồi hai bên, biến dạng bàn chân phải, cùng nhiều thương tích khác với tỷ lệ thương tích 87%.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn trên, em Hồng phải bỏ dở việc học tập để điều trị. Hiệp và Công ty Thiên Định mới bồi thường cho nạn nhân tổng cộng 80 triệu đồng.

Tại phiên tòa, gia đình em Trần Thị Hồng cho biết, từ khi Hồng bị tai nạn, gia đình đã chạy vạy khắp nơi để có tiền chạy chữa cho em. Đến nay, kinh tế gia đình rất khó khăn. Do đó, gia đình mong muốn bị can và Công ty Thiên Định bồi thường thiệt hại cho em Hồng với các khoản như: Chi phí điều trị, chi phi ăn ở khi khám chữa bệnh, chi phí dự kiến lắp chân giả (khoảng 1 tỷ đồng), phí tổn hại về tinh thần, sức khỏe lâu dài, phí nuôi dưỡng và thuốc men… Tổng mức bồi thường là 1 tỷ 319 triệu đồng, kèm tiền cấp dưỡng hàng tháng.

Hội đồng xét xử cho rằng Hồng đã bị tổn thương rất nặng về sức khỏe lẫn tinh thần và gần như không có khả năng lao động. Do đó, một số khoản phí như chi phí lắp chân giả kèm một số chi phí khác phải bồi thường là thỏa đáng. Bị cáo và Công ty Thiên Định cần xem xét bồi thường hợp lý cho bị hại.

Ở phần xét hỏi, Hiệp thừa nhận toàn bộ lỗi lầm do mình gây ra nhưng không có khả năng chi trả, nên không thể bồi thường cho em Hồng. Đại diện Công ty Thiên Định cũng cho rằng nhiều khoản bồi thường bị hại đưa ra không thể đáp ứng, trong đó có khoản phí lắp chân giả vì không có khả năng chi trả do công ty đang gặp khó khăn. Công ty chỉ đáp ứng một số khoản phí bồi thường ở mức thấp.

Dang dở đường đến trường

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Trọng Hiệp 3 năm tù về tội “Vi phạm về quy định tham gia giao thông đường bộ” theo điểm C, khoản 1, Điều 260 Bộ Luật Hình sự. Ngoài ra, bị cáo và Công ty Thiên Định có trách nhiệm liên đới bồi thường 269 triệu đồng kèm chi phí chăm sóc vì những tổn thất nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần cho bị hại.

Phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 27/4.
Phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 27/4.

Tuy nhiên, bị hại chưa cung cấp đủ hóa đơn, chứng từ cũng như chi phí lắp chân giả vì có nhiều giá khác nhau. Do đó, HĐXX quyết định tách nội dung này để giải quyết vào một vụ án khác.

Sau phiên tòa, bị hại và gia đình không đồng tình với bản án tòa tuyên về tách phần chi phí lắp chân giả thành một vụ kiện dân sự khác và cho hay sẽ kháng cáo.

“Lúc em bị tai nạn là cuối kỳ lớp 10, đến nay các bạn đã sắp tốt nghiệp THPT. Em rất muốn đi học, em không muốn là gánh nặng cho gia đình. Ba mẹ em đã khổ suốt hai năm mà em không làm được gì. Em muốn đòi lại công bằng cho cuộc đời em”, Hồng nức nở.

Bài, ảnh: TRẦN TIẾN

 

.
.
.