Triệt phá đường dây sản xuất dầu D.O giả quy mô lớn

Thứ Năm, 03/03/2022, 18:54 [GMT+7]
In bài này
.

Qua thời gian dài đeo bám, chiều tối ngày 2/3, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Châu Đức đột kích cơ sở nấu dầu D.O giả có quy mô lớn nằm trên cánh đồng thôn 5 (xã Bình Trung, huyện Châu Đức). Lực lượng chức năng tạm giữ nhiều phương tiện và hàng ngàn lít dầu để phục vụ công tác điều tra.

Dầu nhớt thải thu mua từ khắp nơi, đóng trong các thùng phuy loại 200l được tập kết về lò nấu.
Lực lượng công an kiểm tra các tang vật tại hiện trường.

Đột kích lò nấu dầu “khủng”

Thời điểm lực lượng công an ập vào, xe bồn biển số 60C-354.22 vừa bơm hút dầu thành phẩm xong và xe cẩu mang biển số 60C-261.93 chở hàng trăm bao hóa chất đậu trong bãi. Khoảng 5 người đang vận chuyển các bao hóa chất trên xe xuống chất thành một đống lớn.

Theo quan sát của PV Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, cơ sở này quây rào tôn cao 2-3m kín mít quanh khu đất rộng khoảng 4.000m2. Bên trong cơ sở có 9 bồn chứa dầu thành phẩm màu vàng nhạt với dung tích khoảng 1.000 lít/bồn. Hàng trăm thùng phuy rỗng và nhiều can nhựa hóa chất màu xanh nằm ngổn ngang. Hệ thống máy bơm, ống dẫn nhiên liệu, dầu… được lắp đặt chi chít.

Tại khu nấu, thời điểm lực lượng công an ập vào phát hiện 2 lò nấu có dung tích lớn đang đỏ lửa; ống khói ùn ùn nhả khói đen và bốc mùi hôi nồng nặc. Phía sau cơ sở còn đào một con mương lớn rộng 3m, dài hàng chục mét được lót bạt chứa nước để phục vụ việc nấu dầu.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), hành vi sản xuất dầu D.O bằng cách pha trộn hóa chất để nấu thành dầu D.O giả rồi đem đi bán ra ngoài thị trường là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, hành vi này quy định tại Điều 192 Tội sản xuất, buôn bán hàng giả Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với khung hình phạt từ 100 triệu đồng - 1 tỷ đồng hoặc phạt từ 1-5 năm tù. Ngoài ra, hành vi này có thể bị phạt tù từ 7-15 năm nếu vi phạm mức độ nghiêm trọng. Đồng thời, người vi phạm cũng bị phạt tiền tùy mức độ vi phạm.

Làm việc với cơ quan công an, những người làm tại cơ sở cho biết dầu thải mua về sẽ được pha trộn với hoá chất như: oxy, axit… nấu thành dầu D.O giả rồi bơm ra các bồn chứa và chờ xe đến bơm hút mang đi tiêu thụ.

Trong lúc lực lượng công an đang kiểm tra cơ sở thì bất ngờ xe tải biển số 50H-090.08 chở theo 30 thùng phuy loại 200l/thùng chứa đầy nhớt thải chạy vào. Thấy lực lượng công an, tài xế quay đầu xe bỏ chạy thì ngay lập tức bị khống chế. Quản lý cơ sở nấu dầu là ông Trần Thiện Minh (SN 1983) không xuất trình được giấy phép hoạt động cũng như các giấy tờ liên quan. Công an tiến hành lấy mẫu dầu cặn, dầu thành phẩm. Đồng thời lập biên bản, niêm phong nhiều phương tiện, tang vật và đưa những người liên quan về trụ sở để tiếp tục đấu tranh làm rõ vụ sản xuất dầu D.O giả.
 
Xe bồn vào cở sở bơm hút dầu thành phẩm mang đi tiêu thụ.
Xe bồn vào cở sở bơm hút dầu thành phẩm mang đi tiêu thụ.

Hoạt động ra sao?

Theo điều tra, hàng ngày cơ sở này đốt lò hoạt động từ mờ sáng tới khuya. 2 ống khói trên mái tôn lúc nào cũng xả khói đen nghi ngút kèm theo mùi hôi dầu bốc ra môi trường khét lẹt. Hàng loạt xe tải và xe bồn được huy động tham gia vào đường dây sản xuất dầu. Con đường đất dẫn ra cánh đồng chạy thẳng vào lò nấu bị xe tải, xe bồn cày nát, tạo thành rãnh mấp mô cao hơn 50cm khiến người dân đi làm ruộng vô cùng khó khăn. Mỗi lần xe chạy qua bụi mù mịt.

Hàng ngày, các xe tải loại 5-10 tấn liên tục chở các thùng phuy nhớt thải, dầu cặn, loại 200l/thùng vào cơ sở để nấu dầu. Trung bình mỗi ngày có 2 lượt xe tải chở nhớt thải, dầu cặn vào cơ sở và vận chuyển thùng phuy rỗng rời đi. Vào thời điểm xăng, dầu trong nước tăng giá thì cơ sở này cũng tăng cường hoạt động; xe tải tăng ca chở 3-4 lượt, bất kể ngày đêm. Loại dầu thải này được thu gom từ các cửa hàng sửa xe, gara ô tô trên địa bàn tỉnh. Ngoài xe chở dầu thải nguyên liệu vào, lực lượng công an còn ghi nhận nhiều xe chở các bao hóa chất, bồn chứa từ nhiều nơi về cơ sở này.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 11/2021, ông Minh mua dầu trôi nổi trên thị trường với giá dao động từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/thùng (loại 200 lít). Sau quá trình chưng cất “hô biến”, ông Minh bán ra thị trường với giá từ 10.000-16.000 đồng/lít (tùy thời điểm). Công an tỉnh xác định đây là cơ sở sản xuất trái phép, có công suất lớn, trung bình khoảng 200.000 lít/tháng, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Cơ sở này không có các loại giấy phép kinh doanh cũng như hóa đơn chứng từ liên quan, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về sản xuất mua bán hàng giả. Công an tỉnh cũng lập biên bản thu giữ 9.000 lít dầu đã qua sử dụng và 10.000 lít dầu thành phẩm cùng nhiều phụ gia khác. 

 

Sau nhiều tháng mật phục theo dõi, cơ quan công an nắm được hàng loạt xe bồn ra vào bơm hút dầu thành phẩm mang đi tiêu thụ. Theo điều tra, cứ khoảng 2-3 ngày, các xe bồn sẽ vào cơ sở của ông Minh lấy dầu thành phẩm. Các trinh sát cũng ghi lại quá trình xe bồn vào lấy dầu đưa đi tiêu thụ.

Hiện vụ sản xuất dầu D.O giả đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật. PV Báo Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin diễn biến mới đến bạn đọc.

Bài, ảnh: TRẦN TIẾN- TIỂU THIÊN

 
;
.