Nỗ lực hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh và các địa phương đã triển khai 2 dự án lớn là “Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và “Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chíp” để đáp ứng yêu cầu thực hiện Luật cư trú (có hiệu lực từ 1/7/2021).
Công an xã Kim Long, huyện Châu Đức nhập và kiểm tra dữ liệu thông tin của người dân. |
Theo Công an tỉnh, thực hiện đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đến nay, BR-VT cơ bản hoàn thành 2 dự án trên và sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu của công dân lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Mục đích phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia, tiến tới triển khai các dịch vụ công trực tuyến khác cho người dân, DN, bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể, CSDLQG sẽ định danh số công dân thống nhất, chính xác, giúp người dân chỉ cần cung cấp thông tin một lần khi thực hiện các thủ tục hành chính khác nhau. Thượng tá Đinh Văn Bình, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết, để tiến tới cải cách hành chính cũng như xây dựng Chính phủ điện tử thì CCCD gắn chíp điện tử thuận lợi hơn trong giao dịch dân sự, giao dịch với cơ quan hành chính và các bộ ngành khác, bởi tất cả dữ liệu, thông tin của công dân được tích hợp vào đây.
Trung tá Nguyễn Minh Hòa, Trưởng công an xã Kim Long, huyện Châu Đức chia sẻ: “Thông tin được tích hợp vào CCCD gắn chíp, người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ đi giải quyết các công việc hành chính hay giao dịch dân sự”.
Trước đó, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 06, phê duyệt đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, nhằm mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Đây là một đề án lớn, chưa từng có trong tiền lệ khi rất nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, loại bỏ; nhiều dịch vụ công trực tuyến nâng lên cấp độ 4, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và DN trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng CSDLQG về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích sau: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Việc hoàn thành tái cấu trúc, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ định danh, xác thực và giải quyết 25 thủ tục hành chính thiết yếu theo lộ trình của đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” sẽ giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Chẳng hạn, với việc hệ thống CSDLQG về dân cư và dữ liệu khách hàng của tập đoàn Điện lực Việt Nam được kết nối, sắp tới khi người dân đăng ký mới, hay thay thế thông tin trong hợp đồng mua bán điện sẽ thực hiện dễ dàng hơn thông qua hồ sơ giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, ngành điện lực cũng tiết kiệm được nhiều chi phí trong công tác quản lý, vận hành, kiểm tra, xác minh, lưu trữ thông tin, giấy tờ công dân.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh, thời gian tới, ngành điện sẽ thực hiện chương trình CSDLQG về dân cư thông qua cổng dịch vụ công quốc gia. Qua đó giúp ngành điện giảm bớt lưu trữ hồ sơ, toàn bộ hệ thống dữ liệu cũng được tích hợp thông qua máy tính từ đó truy xuất, quản lý dễ dàng hơn.
Bài, ảnh: PHƯỚC AN