LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY NĂM 2021 CÓ HIỆU LỰC

Nhiều thay đổi đáng chú ý trong công tác cai nghiện

Thứ Năm, 06/01/2022, 23:07 [GMT+7]
In bài này
.

Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) năm 2021 có nhiều điểm mới quan trọng, góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác PCMT. Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, giảm tỷ lệ người sử dụng ma túy, nâng cao trách nhiệm của gia đình trong công tác cai nghiện và PCMT.
 

Trong ảnh: Các học viên cai nghiện ma túy ở Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh trong giờ học nghề.
Các học viên cai nghiện ma túy ở Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh trong giờ học nghề.

THÊM ĐỐI TƯỢNG CAI NGHIỆN BẮT BUỘC 

Luật PCMT năm 2021 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 11 ngày 30/3/2021, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, với 8 Chương, 55 Điều. Trong đó, Luật có một chương quy định về các biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy để giúp họ không trở thành người nghiện, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; Người nghiện các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị do vi phạm quy định về điều trị nghiện; Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Ngoài ra, Điều 34, Luật PCMT năm 2021 quy định cụ thể về lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi thuộc một trong hai trường hợp sau:

Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy đã được áp dụng biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại cấp xã mà vẫn còn nghiện. Người nghiện ma túy không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Như vậy, người nghiện ma túy, kể cả là từ đủ 18 tuổi hay từ đủ 12-18 tuổi nếu không có nơi cư trú nhất định đều được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Người nghiện ma túy là người từ đủ 12-18 tuổi do chính bản thân hoặc được gia đình làm đơn xin cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc riêng phù hợp với độ tuổi. 

Thời hạn cai nghiện bắt buộc cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là từ đủ 6 tháng đến 1 năm và được bố trí ở một khu vực riêng, được bảo đảm đầy đủ quyền lợi như: học tập, vui chơi. Thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do TAND cấp huyện và không bị coi là xử lý vi phạm hành chính, nên không ảnh hưởng đến lý lịch tư pháp.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong thời gian quản lý sau cai nếu tái nghiện, người trong nhóm tuổi từ 12-18 tuổi sẽ được đăng ký cai nghiện tự nguyện. Người nghiện trên 18 tuổi sẽ bị đưa đi cai nghiện bắt buộc nếu tái nghiện. Đây là một trong các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp trẻ em cai nghiện, phục hồi về sức khỏe, hành vi để tiếp tục học tập, trở thành người có ích cho xã hội.

NÂNG CAO VAI TRÒ  CỦA GIA ĐÌNH 

Luật PCMT năm 2021 quy định tất cả những người sử dụng ma túy đều được quản lý tại cấp xã (luật cũ quy định chỉ quản lý người nghiện ma túy, còn người sử dụng ma túy chưa được đưa vào diện quản lý). Luật PCMT mới cũng bỏ quy định cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng mà chỉ thực hiện cai nghiện tự nguyện. Trường hợp người nghiện ma túy được vận động đi cai nghiện tự nguyện mà không thực hiện sẽ bị đưa đi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở.

Đồng thời, người nghiện sau khi hoàn thành cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc hoàn thành liệu trình uống methadone thay thế sẽ được đưa về quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng từ 12-24 tháng. UBND cấp xã ra quyết định quản lý sau cai (quy định cũ do UBND huyện ra quyết định). 

Theo Luật PCMT 2021, gia đình đóng vai trò quan trọng trong công tác cai nghiện và PCMT. Cụ thể, gia đình cần tuyên truyền, giáo dục thành viên trong gia đình, người thân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về PCMT; quản lý, ngăn chặn thành viên trong gia đình vi phạm pháp luật về PCMT. Gia đình cần thực hiện đúng chỉ định của người có thẩm quyền về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong công tác cai nghiện. Hợp tác với cơ quan chức năng trong đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy; tham gia hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; theo dõi, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện ma túy….

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ

Luật  PCMT năm 2021 có nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình thực tế và khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định cũ. Về công tác cai nghiện; một số quy định của Luật PCMT không thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác… đã được khắc phục, bổ sung. Đồng thời, Luật cũng có nhiều thay đổi khác theo hướng cụ thể hơn, chi tiết hơn Luật PCMT năm 2000, bảo đảm áp dụng thống nhất và phù hợp với tình hình xã hội hiện nay.
(Luật sư Thịnh Đình Quang, Hội Luật gia tỉnh)

 

;
.