.

Đang chờ thi hành án lại tiếp tục phạm tội

Cập nhật: 16:14, 16/01/2022 (GMT+7)

Từng giả danh “nhân viên ngân hàng” và thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, số tiền chiếm đoạt lên tới cả chục tỷ đồng. Được tại ngoại chờ thi hành án do đang nuôi con nhỏ, thế nhưng người phụ nữ này lại tiếp tục phạm tội.

Bị cáo Phan Thị Huyền tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Phan Thị Huyền tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 13/1, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Phan Thị Huyền (SN 1987, TP.Vũng Tàu) về tội lừa đảo, làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức.

Theo nội dung vụ án, trong khoảng thời gian từ năm 2014-2015, Phan Thị Huyền thực hiện hành vi làm giả hồ sơ, con dấu để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thời điểm này, với “vỏ bọc” nhân viên ngân hàng, Huyền đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 11,3 tỷ đồng của 10 người. Ngày 19/5/2015, Huyền bị cơ quan công an khởi tố và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Ngày 13/11/2019, Huyền bị TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh tuyên phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” và làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức”.

Trong thời gian truy tố, điều tra, xét xử và chờ thi hành án nêu trên, Phan Thị Huyền tiếp tục dùng nhiều tên gọi khác nhau như: Nguyễn Thị Phương, Tôn Nữ Uyên Phương, Phan Thị Thương và dùng các thủ đoạn gian dối khác nhau để chiếm đoạn tiền của người khác. Từ năm 2017-2020, Huyền thực hiện 2 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, năm 2017 thông qua các mối quan hệ xã hội, Huyền quen được bà Đ.T.H. (SN 1962, TP.Vũng Tàu). Huyền tự giới thiệu bản thân tên là Tôn Nữ Uyên Phương, nhân viên pháp chế tại Ngân hàng Vietcombank (Chi nhánh Vũng Tàu). Huyền có thể mua được những thửa đất hay nhà ở đang được phát mãi tại ngân hàng với giá rẻ để bán lại hưởng chênh lệch và đề nghị bà H. góp vốn cùng mua với mình. Với thủ đoạn trên, Huyền đã chiếm đoạt của bà H. với số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Đây là số tiền mà bà H. dùng để mua 8 thửa đất theo đề nghị của Huyền. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được Huyền sử dụng tiêu xài cá nhân và trả nợ cho một số người khác.

Thời gian sau, bà H. không thấy Huyền đưa sổ đỏ nên đã hỏi Huyền, để bà Huyền tin tưởng việc mua lại 8 thửa đất là có thật. Huyền làm giả một số giấy tờ đất với tên Tôn Nữ Uyên Phương và đưa cho bà H. xem. Sợ bà H. phát hiện và tố cáo lên cơ quan công an, Huyền đề nghị được trả tiền mặt cho bà H. và được đồng ý. Huyền đã trả cho bà H. số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Tiếp sau đó, năm 2020, khi làm việc tại shop quần áo của em gái ở phường 4 (TP.Vũng Tàu), Huyền lại tiếp tục phạm tội lừa đảo. Lợi dụng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Huyền rủ P.M.H. (SN 1986, ngụ tại phường 7, TP. Vũng Tàu) cùng góp vốn kinh doanh khẩu trang y tế.

Để lấy lòng tin của chị H., Huyền nói có lô quần áo trẻ em giá rẻ ở thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), nếu mua sẽ bán lại sẽ lời cao. Chị H. đồng ý góp 60 triệu đồng, Huyền góp 80 triệu đồng. Đến tháng 3/2020, Huyền thông báo với chị H. tiền lãi lô hàng của chị là 6 triệu đồng. Tin tưởng làm ăn với Huyền có lãi, chị H. tiếp tục góp vốn với Huyền để kinh doanh khẩu trang y tế. Huyền đưa ra thông tin giả là mình biết có lô hàng khẩu trang giá rẻ mua vào khoảng 13 triệu đồng/thùng, bán ra với giá 13,8 triệu đồng/thùng. Huyền sử dụng tài khoản facebook, zalo “giả” kết bạn với chị H. để vào đặt hàng với số lượng lớn, nhằm khiến chị H. tin tưởng việc kinh doanh khẩu trang y tế dễ kiếm lời.

Do đó, chị H. đã nhiều lần chuyển tiền cho Huyền để kinh doanh khẩu trang y tế. Với thủ đoạn trên, Huyền đã chiếm đoạt của chị H. số tiền 2,55 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được Huyền đem đi trả nợ và trả lãi cho người khác. Đồng thời chuyển lại cho chị H. số tiền gần 566 triệu đồng, nói là tiền lãi từ việc mua bán khẩu trang mang lại, còn tiền vốn chị H. góp vào, Huyền nói dối là tiếp tục dùng để đặt cọc mua hàng khẩu trang. Cơ quan chức năng xác định số tiền mà Huyền chiếm đoạt của chị H. gần 2 tỷ đồng.

Ngoài hành vi thủ đoạn gian dối để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 2 nạn nhân trên, cơ quan CSĐT còn xác định, Huyền đã thực hiện 4 vụ làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Huyền làm giả 2 thẻ căn cước công dân; 1 giấy CNQSDĐ và 1 giấy chứng sinh cho con trai nhằm làm sạch lý lịch.

Tại phiên tòa Huyền khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, Huyền cho biết do nợ nần không có khả năng chi trả nên bị cáo mới thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đối với số tiền chiếm đoạt của các bị hại, Huyền khai nhận đã sử dụng vào việc trả nợ và tiêu dùng cá nhân. Khi HĐXX hỏi, bị cáo còn tài sản nào khác không, có khả năng khắc phục hậu quả cho các bị hại không? Huyền trả lời không còn tài sản nào khác và không còn khả năng chi trả và chấp nhận án phạt. Khi được nói lời cuối cùng tại phiên tòa, Huyền đã nói lời xin lỗi tới các bị hại, mong các bị hại tha thứ cho bị cáo.

HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu tài sản của người khác, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Bị cáo đang trong độ tuổi lao động, có sức khỏe tốt, nhưng lại không chăm chỉ lao động chân chính để có thu nhập hợp pháp. Đặc biệt, đang trong thời gian chờ thi hành án, song bị cáo vẫn cố ý và tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo. Vì vậy, bị cáo có tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần nên cần được xử lý nghiêm để giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.

Sau thời gian nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Huyền 14 năm tù về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”; 2 năm tù về tội “Làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng mức án là 16 năm tù. Cộng với hình phạt của TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh, tổng mức án mà Huyền phải thi hành là 30 năm tù. Buộc bồi thường cho các bị hại số tiền gần 3,9 tỷ đồng.

Bản án trên là hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo Huyền và cũng là bài học rút kinh nghiệm chung đối với mọi người trong giao dịch kinh tế, hợp tác làm ăn.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

.
.
.