.

Làm gì để ngăn chặn quảng cáo rượu tràn làn?

Cập nhật: 22:02, 24/12/2021 (GMT+7)

Dù pháp luật đã quy định cấm bán và quảng cáo rượu có nồng độ cồn trên 15 độ trên internet, tuy nhiên đến nay hoạt động quảng cáo, rao bán rượu trên mạng xã hội vẫn diễn ra khá tấp nập, khó kiểm soát.

Dù có quy định cấm quảng cáo bán rượu trên Internet nhưng trên thực tế vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là dịp cuối năm.
Dù có quy định cấm quảng cáo bán rượu trên Internet nhưng trên thực tế vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là dịp cuối năm.

Vi phạm tràn lan

Quy định về kinh doanh rượu bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Những hành vi như: trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu thì hành vi bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng đều được xem là trái quy định của pháp luật.

Theo nhận định, việc cấm bán rượu trên mạng internet là một trong những quy định hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay việc quảng cáo rượu trên nhiều trang mạng xã hội, nhất là vào dịp cuối năm vẫn khá sôi nổi, bất chấp quy định cấm.

Thực tế cho thấy việc rao bán rượu trên mạng xã hội khá phổ biến với đầy đủ các chủng loại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng đối với mặt hàng này như: rượu thuốc, rượu nếp, rượu tẻ, rượu ngô, rượu nút lá chuối… Đa số các loại rượu này đều được quảng cáo là “rượu nhà làm”, không có nhãn mác, thương hiệu.

Điều đáng nói, dù bị cấm quảng cáo nhưng không ít cá nhân bán “rượu nặng” vẫn đăng công khai nội dung độ cồn từ 15 độ trở lên. Một số ít thì “lách” bằng cách không đưa thông tin độ cồn vào nội dung quảng cáo nhưng trên hình ảnh sản phẩm vẫn hiển thị rõ con số này. Các loại rượu được rao bán không chỉ trên các Website của cửa hàng mà còn cả trên các trang cá nhân facebook, zalo và các diễn đàn mua bán online đang khá phổ biến hiện nay.

Nhiều trang kinh doanh loại rượu từ 15 độ cồn trở lên còn trả phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội để giới thiệu, quảng cáo các mặt hàng này tới nhiều đối tượng khách hàng. Vào facebook tìm kiếm, gõ chữ “rượu” phóng viên tìm được rất nhiều trang bán hàng liên quan đến rượu như:  Rượu nút lá chuối, rượu quê nhà, rượu ngâm…. Hầu hết đều phớt lờ quy định cấm bán rượu trên 15 độ trên mạng.

Luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, việc quảng cáo, kinh doanh rượu trên internet phải tuân thủ các quy định pháp luật. Cụ thể như việc quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị cấm theo Khoản 3, Điều 7 Luật Quảng cáo năm 2018 và Khoản 7, Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Nếu cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng được nêu tại Điểm b, Khoản 1, Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Còn với rượu dưới 15 độ cồn và bia thì phải tuân theo các điều khoản cụ thể tại Nghị định 24/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 mới được quảng cáo. Cụ thể là trong quảng cáo phải có một trong các nội dung cảnh báo về tác hại của rượu bia như: uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông; uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi; người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia…

Còn nhiều khó khăn trong xử phạt

Quy định là thế, nhưng với thực trạng quảng bá, rao bán rượu trên mạng xã hội đang diễn ra tràn lan như hiện nay thì quy định cấm quảng cáo, kinh doanh rượu có nồng độ trên 15 độ trên mạng là rất khó để kiểm soát.

Theo giải thích của cơ quan chức năng, không ít người rao bán rượu trên các trang cá nhân với ghi chú là rượu nhà nấu, không tem mác, không có nồng độ cồn thì khó lấy cơ sở nào để xử phạt. Nhiều cửa hàng biện minh lý do chỉ quảng bá sản phẩm trên các trang website chứ không bán thì cơ quan chức năng không dễ để quản lý. Bên cạnh đó, việc bán hàng online đôi khi người bán hàng không có kho chứa hàng, không có hóa đơn chứng từ… nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều quy định hiện hành về việc cấm quảng cáo rượu trên 15 độ cồn trên mạng xã hội còn chung chung nên việc xử lý còn nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Văn Hải, Cục phó Cục quản lý thị trường tỉnh cho biết, thời gian tới, các đội quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính dịp cuối năm và trước Tết Nguyên đán 2022. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng: bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát… để sớm ngăn chặn tình trạng hàng gian, hàng giả được bán ra thị trường. Đồng thời, ông Hải cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mua hàng trên mạng xã hội. Mua hàng ở những nơi có địa chỉ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tránh mua hàng ở những nơi không có địa chỉ, xuất xứ rõ ràng. Mua hàng phải yêu cầu được kiểm hàng.

Bài, ảnh: THANH HẢI

.
.
.