Bảo vệ quyền lợi của trẻ và người nhận nuôi
Trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em tỉnh vui chơi sau giờ học. |
Hàng trăm trẻ tìm được mái ấm
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Yến (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) cưới nhau hơn 10 năm nhưng không sinh được con nên anh chị chọn giải pháp nhận con nuôi. Thấy hoàn cảnh bé T.T.H. mồ côi cả ba lẫn mẹ, ông bà nội ngoại già yếu, khó khăn nên anh chị đăng ký nhận làm con nuôi. Sau khi thực hiện các thủ tục nhận con nuôi theo đúng quy định, gia đình chị đã đón cháu bé về nhà khi chưa tròn 1 tuổi. Đến nay. H. đã lên 8, đang học lớp 3 và có cuộc sống tràn đầy tình thương như bao đứa trẻ bình thường khác.
“Từ khi nhà có tiếng trẻ thơ, cuộc sống gia đình tôi rất vui vẻ, tình cảm vợ chồng cũng khăng khít. Dù là con nuôi, nhưng tôi chăm sóc con ngay từ khi còn nhỏ nên tình cảm mẫu tử thiêng liêng như bao người khác, yêu thương con như con ruột. Tôi rất vui vì chúng tôi đã cho con một gia đình thực sự”, chị Yến chia sẻ.
Báo cáo của Sở Tư pháp cho biết, từ khi thực hiện Luật Nuôi con nuôi trong giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã có 318 trẻ em được giải quyết làm con nuôi trong nước, 84 trẻ được nhận làm con nuôi người nước ngoài. Nhờ đó, nhiều trẻ mồ côi, bị bỏ rơi tìm được mái ấm thay thế; nhiều người, đặc biệt là phụ nữ đơn thân, các cặp vợ chồng hiếm muộn được thực hiện quyền làm cha mẹ.
Theo đánh giá, công tác giải quyết nuôi con nuôi trong nước tuân thủ đúng quy định pháp luật. Cho đến nay, không có trường hợp khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc giải quyết nuôi con nuôi. Đa số là trẻ có sức khỏe bình thường.
Ông Dương Minh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi, công tác nuôi con nuôi trong nước đã đạt được những kết quả tích cực. Trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi đã thay đổi đáng kể, theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của trẻ em được nhận làm con nuôi. Trẻ em được nhận làm con nuôi nước ngoài so với giai đoạn trước có giảm về số lượng nhưng nâng cao về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu công ước La Hay.
Còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, ông Dương Minh Tuấn cũng cho rằng sau 10 năm Luật Nuôi con nuôi đi vào cuộc sống đã bộc lộ những vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai cũng như từ những quy định của pháp luật. Kiến thức pháp luật về nhận con nuôi của người dân còn hạn chế, còn tình trạng thỏa thuận cho nhận con nuôi, chỉ có giấy tờ viết tay hoặc tự ý đem trẻ em bị bỏ rơi về chăm sóc nuôi dưỡng, hoặc cho nhận con nuôi trao tay. Cũng có trường hợp lợi dụng việc cấp giấy chứng sinh để hợp thức “cha mẹ nuôi” thành cha mẹ đẻ mà không thông qua thủ tục đăng ký nuôi con nuôi. Một số trường hợp không tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi nên mối quan hệ pháp lý giữa trẻ em và người nuôi dưỡng không được xác lập. Điều này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của trẻ em.
Theo quy định, để nhận con nuôi, gia đình nhận nuôi trẻ phải bảo đảm về kinh tế. Trên thực tế, nhiều gia đình nhận nuôi không đáp ứng được yêu cầu này dẫn đến các quyền lợi của trẻ em được nhận nuôi không được bảo vệ. Thủ tục nhận con nuôi nước ngoài vẫn còn rườm rà, phức tạp, cần đơn giản hóa cho phù hợp với tình hình thực tế.
Hiện nay chưa có quy định giải quyết hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tương thích với pháp luật Quốc tế; còn nhiều xung đột trong quy phạm điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Các biện pháp chế tài đi với những vi phạm trong lĩnh vực nuôi con nuôi còn thiếu. Những hạn chế đó dẫn đến dễ phát sinh hiện tượng lạm dụng danh nghĩa nuôi con nuôi để thực hiện những mục đích trái pháp luật khác như: Trục lợi y tế, môi giới trẻ em làm con nuôi người nước ngoài hoặc lợi dụng việc cho nhận con nuôi để hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên như: hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về nuôi con nuôi chưa thực sự đạt yêu cầu, mới chỉ dừng lại khâu triển khai thi hành pháp luật về nuôi con nuôi đến người thực hiện, chưa thực sự đến được với người dân. Công chức tư pháp - hộ tịch hạn chế về trình độ pháp lý nên UBND cấp xã không thể thực hiện một cách chuyên nghiệp và hiệu quả những hoạt động hỗ trợ trong lĩnh vực công tác xã hội. Trình độ dân trí thấp, nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật nuôi con nuôi còn hạn chế, còn mang nặng tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, phong kiến.
"Cần thiết phải ban hành chế tài xử lý nhiêm các hành vi vi phạm trong đăng ký nuôi con nuôi, đặc biệt là hành vi lợi dụng việc đăng ký nuôi con nuôi để vi phạm chính sách dân số, hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với thương binh, người dân tộc thiểu số; việc giám sát quan hệ nuôi con nuôi giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sau khi được xác lập. Đồng thời, cần quy định rõ về tiêu chuẩn, thẩm quyền trách nhiệm trong việc xin ý kiến chuyên gia y tê về tình trạng sức khỏe của trẻ khi giải quyết nuôi con nuôi có yếu. Quy định việc lấy ý kiến của cha mẹ trẻ kết hợp với các cơ sở nuôi dưỡng tiến hành ngay từ khi bắt đầu cha mẹ làm thủ tục cho trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng", ông Dương Minh Tuấn đề xuất.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG