.

Lừa đảo bằng tin nhắn nhận tiền hỗ trợ thất nghiệp

Cập nhật: 19:34, 25/11/2021 (GMT+7)

Thời gian gần đây, một số kẻ lừa đảo đã mạo danh cơ quan BHXH nhắn tin cho người lao động thông báo nhận tiền trợ cấp do ảnh hưởng dịch COVID-19. Người dân cần cảnh giác, không thực hiện bất cứ yêu cầu nào từ các đầu số lạ, tránh bị đối tượng xấu chiếm đoạt tiền.

Một tin nhắn lừa đảo từ đầu số +8456... gửi đến thuê bao di động của người dân BR-VT về việc nhận hỗ trợ BHTN do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Một tin nhắn lừa đảo từ đầu số +8456... gửi đến thuê bao di động của người dân BR-VT về việc nhận hỗ trợ BHTN do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, kinh tế khó khăn, một số kẻ đã hoạt động lừa đảo bằng hình thức mới đó là nhắn tin cho nạn nhân yêu cầu khai báo tài khoản ngân hàng để được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Theo phản ánh của một số người dân, họ nhận được tin nhắn từ các đầu số: +8456; +8452; +8458… với nội dung “Ong(Ba) da du d!eu k!en NHAN T1EN h0 tro tu quy BHTN. Bam vao www.mvndc.icude lay. QUA HAN SE KH0NG_DUOC CHAP NHAN! oZGa” hoặc “Ban da du d!eu k!en NHAN TIEN h0 tro tu quy - BHTN. Bam vao www.opaxa.icu de lay. QUA HAN SE KHONG_DU0C CHAP NHAN!”…

Ngoài việc nhắn tin qua điện thoại, các đối tượng lừa đảo còn nhắn tin qua Zalo, Facebook... Khi người nhận thực hiện theo hướng dẫn của tin nhắn, nhấp vào các đường link gửi kèm vào các trang mạng có giao diện giống ngân hàng đang sử dụng sẽ được yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để chiếm dụng tiền trong tài khoản cá nhân.

Chị Trần Thị Nhân (115 Lê Lợi, TP. Vũng Tàu) cho hay, ngoài tin nhắn, chị còn nhận được cuộc gọi từ đầu số +4841900... yêu cầu làm theo hướng dẫn để nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN. “Lúc đầu tôi cũng tin vì hơn 3 tháng qua tôi bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty ngừng hoạt động. Khi bình tĩnh lại, tôi có hỏi đồng nghiệp thì được biết công ty đang làm thủ tục và chờ thành phố duyệt nên tôi mới biết là đó là cuộc gọi lừa đảo”, chị Nhân kể.

Trên thực tế, không phải ai cũng đủ tính táo để không bị “sập bẫy” như chị Nhân. Một số người đã bấm vào đường link theo tin nhắn hoặc làm theo hướng dẫn từ các cuộc gọi lạ và lập tức tiền trong tài khoản bị “bốc hơi”. Câu chuyện của chị N. (TP. Hồ Chí Minh) bị mất gần 626 triệu đồng được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 24/11 là một ví dụ.

Trên Facebook cá nhân, chị N. cho biết, trong lúc chị đang đăng ký tài khoản BHXH trên ứng dụng trực tuyến VssID và chờ tin nhắn xác nhận để đăng nhập thì chị nhận được một tin nhắn xác nhận thông tin để nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp kèm một đường link. Chị vào máy tính để đăng nhập thử thì thấy dẫn đến website giống trang web của BHXH, sau đó chị lại nhận thêm tin nhắn báo mã OTP từ đầu số ngân hàng B. nơi chị mở tài khoản và yêu cầu nhập thông tin. Sau khi nhập mã OTP và được báo không thành công, chị N. lặp lại động tác này thì ngay lập tức có 2 lệnh chuyển tiền từ tài khoản đã thành công, lấy đi số tiền 625,9 triệu đồng của chị.

BHXH tỉnh khuyến cáo, người dân không nên tin bất kỳ tin nhắn nào được gửi đến nếu tổng đài gửi không có chữ “BHXHVN” hoặc “BHXH BA RIA-VUNG TAU” hiển thị tại phần số điện thoại của người gửi tin nhắn. Đồng thời, tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không bấm vào bất kỳ đường link nào, nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị chiếm đoạt tài khoản, chiếm đoạt tiền.
Theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tiếp nhận đề nghị hỗ trợ của người lao động từ Quỹ BHTN là đến hết ngày 20/12/2021. Để tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN, người lao động truy cập vào dịch vụ tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam theo đường link: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/cong-khai-thong-tin-huong-ho-tro-theo-nghi-quyet-so-116nqcp.aspx. Sau đó, nhập “Mã số BHXH”, “Họ tên” rồi chọn “Tôi không phải là người máy”, nhấn “Tra cứu”. Người dân cũng có thể gọi tới số điện thoại của BHXH tỉnh BR-VT (0254 3818119 bấm số nhánh: 102, 107, 317, 425) để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời.

Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, khi nhận được những tin nhắn, email lạ kèm các đường link, dù được gửi từ tổ chức nào thì người dùng đều phải cẩn trọng, kiểm tra lại thông tin với cơ quan, tổ chức liên quan. Đặc biệt, người dân không nhập mã OTP, thông tin tài khoản hay làm theo yêu cầu chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào vì khi nhấp vào liên kết để lấy thông tin, người dân có thể truy cập vào một phần mềm độc hại dẫn đến lộ thông tin cá nhân, bị kẻ gian đánh cắp tiền trong tài khoản. Do vậy, ngoài việc cảnh báo người dân, Sở TT-TT cũng đề nghị các nhà mạng viễn thông trên địa bàn rà soát, triển khai ngăn chặn tin nhắn rác vi phạm quy định.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.