.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2021

Cập nhật: 22:39, 30/11/2021 (GMT+7)

Từ tháng 12/2021, nhiều chính sách pháp luật mới có hiệu lực thi hành, có thể kể đến như: Bỏ bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học với công chức, viên chức; Xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển màu vàng; Tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi; Ô tô sản xuất trong nước giảm 50% lệ phí trước bạ...

Bỏ bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học đối với công chức, viên chức

Đây là nội dung mới tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực từ 10/12/2021). Cụ thể, theo quy định mới, nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức bao gồm: Lý luận chính trị; Kiến thức quốc phòng và an ninh; Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Như vậy, so với Nghị định 101/2017/NĐ-CP hiện hành sẽ không còn nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ. Nghị định 89/2021/NĐ-CP sẽ là cơ sở để các Bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian tới.

Tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi

Đây là nội dung được quy định tại Quyết định 32/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày 12/12/2021.

Theo Quyết định, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một khách hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng (tăng 50 triệu đồng so với quy định cũ).

Đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả trước ngày 12/12/2021 thì hạn mức trả tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định cũ.

Xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số vàng

Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021 thay vì nền màu trắng như trước đây. Nội dung này được Bộ Công an nhấn mạnh tại Thông tư 58/2020/TT-BCA về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Những loại xe phải đổi sang biển số nền màu vàng bao gồm: Xe taxi; xe khách tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe buýt tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; xe chở khách du lịch.

Ô tô sản xuất trong nước giảm 50% lệ phí trước bạ

Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Đơn cử, theo Nghị định 20/2019/NĐ-CP mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, nếu được giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ sẽ giảm còn 5%.

Hạn cuối sang tên cho xe qua nhiều đời chủ nhưng thiếu giấy tờ

Tại Thông tư 58/2020/TT-BCA về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ Công an quy định xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người, nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021.

Tức, 31/12/2021 là hạn cuối mà người dân phải đi làm thủ tục đăng ký, sang tên cho xe đã qua nhiều đời chủ nhưng thiếu hoặc không giấy tờ. Sau thời điểm này, thủ tục này sẽ không còn được giải quyết.

Để làm thủ tục, người dân chuẩn bị các loại giấy tờ: Giấy khai đăng ký xe theo mẫu; Chứng từ lệ phí trước bạ; Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe (nếu khác tỉnh) và nộp đến Phòng Cảnh sát giao thông thuộc công an cấp huyện nơi cư trú.

PHƯƠNG ANH (Tổng hợp)

.
.
.