Bảo đảm an toàn cho ngư dân trong mùa mưa bão
Theo dự báo của cơ quan chức năng, mùa mưa bão năm nay sẽ diễn biến phức tạp. Do vậy, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh tặng áo phao cho ngư dân. |
KHÔNG CHỦ QUAN, LƠ LÀ
Đồn Biên phòng Phước Tỉnh phụ trách hơn 1.850 tàu cá của ngư dân xã Phước Tỉnh, Phước Hưng và TT. Long Hải. Trong đó có 1.362 phương tiện đánh bắt xa bờ và hơn 400 tàu cá của các tỉnh lân cận ra vào hoạt động tại địa bàn. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường, hiện tượng mưa, lũ, triều cường ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, nhiều ngư dân còn chủ quan, thậm chí ra khơi ngay khi có áp thấp nhiệt đới; khả năng tiếp cận và xử lý thông tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới của một số thuyền trưởng còn hạn chế. Do đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh đã tích cực kiểm soát người, phương tiện ra vào làm ăn; thường xuyên thông tin liên lạc, thông báo về tình hình bão, áp thấp nhiệt đới để các ngư dân biết, đồng thời tăng cường tuyên truyền về an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn trên biển, cũng như những phương án ứng phó cần thiết khi có tình huống đột xuất xảy ra.
Đại úy Bùi Đình Tâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phước Tỉnh cho biết, xác định việc chủ động phương án ứng phó trong mùa mưa bão, phòng ngừa tai nạn trên biển là vô cùng quan trọng. Do vậy, thời gian qua đơn vị luôn theo dõi tình hình thời tiết để hướng dẫn tàu thuyền và chủ các phương tiện di chuyển tránh trú an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra; chủ động tổ chức lực lượng sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn phương tiện bị nạn trên biển; duy trì các kíp trực, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi xuất bến. Với những tàu cá không bảo đảm đủ trang thiết bị cứu hộ, BĐBP hướng dẫn, yêu cầu bổ sung đầy đủ theo quy định mới được ra khơi.
Thời gian qua, BĐBP tỉnh đã phối hợp với Sở NN-PTNT, chính quyền địa phương các xã ven biển thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 2.517/2.866 tàu khai thác vùng khơi đã lắp thiết bị giám sát hành trình (đạt 87,82%). Số lượng tàu cá đã lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS VX-1700 là 822 tàu. Khi có bão, các cơ quan chức năng có điều kiện phát hiện và sắp xếp vị trí neo đậu cho các tàu thuyền ở các cửa biển như Bến Đình, Bến Đá, Lộc An.
|
Bên cạnh đó, từ năm ngoái đến nay, Đồn Biên phòng Phước Tỉnh còn vận động kinh phí để tặng 200 phao tròn, 200 chiếc áo phao, 200 bộ tài liệu tuyên truyền biển, đảo cho ngư dân trên địa bàn. Phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực III tuyên truyền cho cán bộ các ấp, khu phố và ngư dân về biển đảo, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn.
Tại Hải đội Biên phòng 2 (đơn vị nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển của BĐBP tỉnh), những ngày này, đơn vị luôn túc trực 24/24 để tiếp nhận thông tin báo nạn của ngư dân. Khi ngư dân báo nạn, đơn vị lập tức xác định tọa độ nơi tàu gặp nạn, sự cố của tàu, nhiên liệu và lương thực thực phẩm trên tàu… để có biện pháp ứng cứu kịp thời, đồng thời giữ liên lạc với tàu thuyền gặp nạn để nắm bắt tình hình, động viên ngư dân trong thời gian chờ lực lượng đến ứng cứu. Ngoài ra, đơn vị còn chú trọng rèn luyện kỹ năng xử lý các tình huống, cứu hộ, cứu nạn, nhất là trong điều kiện mưa bão, lũ lụt, sạt lở vùng ven biển, chú trọng bảo quản, bảo dưỡng tốt tàu thuyền, vũ khí trang bị kỹ thuật và các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Theo Đại tá Đào Quang Hiển, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh, trên địa bàn tỉnh có gần 6.000 tàu cá, trong đó có 3.000 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Do vậy, công tác cứu hộ, cứu nạn để giúp ngư dân vươn khơi bám biển được lực lượng BĐBP hết sức chú trọng. Ngay từ đầu năm, BĐBP tỉnh đã chỉ đạo cho các đồn, trạm, hải đội chủ động xây dựng nghị quyết, kế hoạch về công tác phòng chống mưa bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển sát với tình hình thực tế của đơn vị, địa bàn quản lý. Đồng thời quán triệt, triển khai đến từng đơn vị thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ luyện tập theo từng phương án, tình huống tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phối hợp với các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân cách phòng tránh thiên tai và cách xử lý sự cố trên biển.
BẢO ĐẢM THÔNG TIN LIÊN LẠC THÔNG SUỐT
Ngoài các biện pháp nêu trên của lực lượng biên phòng, nhằm bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa tàu thuyền của ngư dân với đất liền, nhất là trong thời điểm mưa bão thường xuyên xảy ra như hiện nay, Đài thông tin duyên hải (TTDH) Vũng Tàu (hẻm 259 Lê Hồng Phong, phường 8, TP.Vũng Tàu) luôn bố trí nhân viên trực canh 24/7 và 7 ngày/tuần để kết nối liên lạc với ngư dân, cũng như những thuyền viên đang hành trình trên biển. Trong trường hợp cấp cứu, khẩn cấp, ngư dân chỉ cần gọi Đài TTDH Vũng Tàu trên tần số thoại 7903 kHz hoặc gọi ngay trên kênh thoại 16 VHF, nhân viên trực canh sẽ tiếp nhận và chuyển thông tin tới Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III để có những biện pháp ứng cứu kịp thời, đồng thời phát thông báo tới các tàu hoạt động trong khu vực tàu bị nạn tăng cường quan sát và tìm kiếm cứu nạn.
Theo ông Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III, trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản trên biển, nếu xảy ra bất cứ sự cố nào liên quan đến người và phương tiện, ngư dân cần bình tĩnh, đồng thời nhanh chóng liên lạc với Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III qua đường dây nóng 02543.850.950. Đối với phương tiện có trang bị máy thu phát vô tuyến MF/HF ICOM có thể phát thông tin cấp cứu trên tần số 7903 kHz, các thông tin yêu cầu trợ giúp sẽ được các đài thông tin duyên hải (32 đài trực canh 24/24h) trải dài theo bờ biển từ Móng Cái đến mũi Cà Mau sẽ tiếp nhận, trợ giúp và chuyển đến các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn để có các biện pháp, phương án ứng cứu kịp thời. Trong trường có người bị thương, cần tiến hành sơ cứu kịp thời và đưa vào điểm có cơ sở y tế để chăm sóc, chữa trị.
Theo thống kê của BĐBP tỉnh, trong năm 2020, trên vùng biển BR-VT xảy ra 68 vụ tai nạn làm 12 tàu bị chìm, 31 người chết, 15 người mất tích, 3 người bị thương, 2 phương tiện va chạm làm hư hỏng 25 tấm lưới. BĐBP tỉnh cũng đã phối hợp với các lực lượng khác cứu an toàn 5 vụ với 38 ngư dân bị tai nạn trên biển, tiếp nhận và đưa đi cấp cứu 1 thuyền viên nước ngoài trôi dạt trên biển. |
Đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thông tin thêm, BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các ban, ngành địa phương, lực lượng chức năng nắm chắc tình hình thời tiết, số lượng tàu hoạt động trên vùng biển, tình hình xảy ra va chạm, tai nạn… để có phương án tìm kiếm, cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại do tai nạn gây ra. Tăng cường tuyên truyền kiến thức về bảo đảm an toàn cho ngư dân khi lao động trên biển, đồng thời kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện không trang thiết bị đủ các thiết bị bảo hộ hoặc không đủ giấy tờ hợp lệ về các điều kiện hoạt động trên biển của phương tiện.
Bài, ảnh: MINH NHÂN