Ẩn họa từ những công trình thi công thiếu an toàn
Trong quá trình thi công nhiều công trình còn xem nhẹ việc cảnh báo, che chắn, dẫn đến tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân. Đã có những vụ tại nạn thương tâm, liên quan đến các công trình thi công kiểu như vậy.
Thi công hệ thống thoát nước trên đường 27-4 (phường Phước Hưng, TP Bà Rịa). |
TAI NẠN LIÊN QUAN ĐẾN NHỮNG CÔNG TRÌNH THIẾU AN TOÀN
Đường vào Khu tổ hợp hóa dầu miền Nam (đoạn từ cầu Bà Nanh, xã Long Sơn) đang trong quá trình hoàn thiện. Trên tuyến đường này cũng đang thi công trạm biến áp 110kV (do Công ty điện lực miền Nam làm chủ đầu tư), đơn vị thi công là Công ty Xây lắp điện 1 (TP.Hồ Chí Minh). Sẽ không có gì để nói, nếu việc thi công các trạm biến áp bảo đảm các quy định về an toàn. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc thi công đã để lại những hố sâu xung quanh các móng trụ điện. Có nơi chiếm tới 2/3 lòng đường nhưng lại thiếu thiết bị cảnh báo, thiếu bảng chỉ dẫn, thiếu đèn chiếu sáng vào ban đêm. Nhiều điểm, thậm chí lượng đất đá vương vãi xuống lòng đường rất lớn nhưng không được thu gom, xử lý, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Theo thống kê của Công an xã Long Sơn, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 3 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết 2 người trên đoạn đường vào Khu tổ hợp hóa dầu miền Nam (đoạn từ cầu Bà Nanh, xã Long Sơn). Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra gần đây nhất là vào ngày 2/5. Thời điểm này, anh T.H.P (1997, thôn 5, xã Long Sơn) chạy xe máy từ chỗ làm ở xã Tân Hải (TX.Phú Mỹ) về nhà, khi đi qua đoạn đường dẫn vào Khu tổ hợp hóa dầu miền Nam, anh P. đã đâm vào trụ móng điện đường dây 110kV đang thi công. Hậu quả, anh P. bị chấn thương đầu, gây chết não. “Lúc T.H.P bị tai nạn, tại khu vực đường vào Khu tổ hợp hóa dầu miền Nam, hàng chục trụ điện đang thi công, để lại những hố ga sâu rất nguy hiểm, nhưng không có đèn đường, đèn phát sáng hay biển cảnh báo, hướng dẫn của đơn vị thi công”, anh H.P.T.Kh (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu), người nhà của nạn nhân T.H.P kể lại.
Ông Trương Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, liên quan đến việc thi công đường dây điện 110kV, đoạn dẫn vào đường Khu tổ hợp hóa dầu miền Nam, UBND xã đã có văn bản gửi BQLDA Lưới điện miền Nam phối hợp để khắc phục tình trạng trên. Đồng thời, xã cũng đã có văn bản gửi UBND TP.Vũng Tàu và Sở GT-VT đề nghị sớm lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại tuyến đường. Hiện, các cơ quan chức năng đã khảo sát và có chủ trương triển khai lắp đặt hệ thống này.
Tương tự, tại TP.Bà Rịa, Dự án thu gom và xử lý nước thải do BQL dự án chuyên ngành dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư, được triển khai từ tháng 4/2020 đến nay. Đơn vị thị công là Liên doanh Công ty TNHH Huỳnh Thành (TP.Bà Rịa), Công ty TNHH Xây dựng sản xuất Tân Thuận (Đất Đỏ) và Công ty TNHH Xây dựng Chiến Thắng (Long Điền). Theo ghi nhận của phóng viên, trên nhiều tuyến đường ở địa phương này, nhiều điểm thi công dự án thu gom và xử lý nước thải rào chắn sơ sài, thiếu cảnh báo an toàn: khu vực lô cốt thi công trên đường 27/4 (phường Phước Hưng), đường CMT8 (phường Phước Nguyên), đường Nguyễn Văn Cừ (phường Long Toàn)…
Cũng đã có tai nạn liên quan đến các công trình đang thi công này. Cụ thể, tối 21/10/2020, một xe bán tải đã lao vào lô cốt ở đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Phước Nguyên) khiến đầu xe hư hỏng nặng, tài xế bị thương. Còn trên đường 27/4, phường Phước Hưng, ngày 12/5/2020, đã xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 1 công nhân tử nạn khi đang thi công hố sâu khoảng hơn 5m, dài 10m. Nạn nhân là anh L.V.U (SN 1982, ngụ tỉnh Vĩnh Long) được đưa vào bệnh viện nhưng sau đó đã tử vong.
Quy định tại Điều 47 Luật giao thông đường bộ 2008 nêu rõ: Khi thi công công trình đường bộ đang khai thác thì trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Khi thi công xong phải hoàn trả phần đường theo nguyên trạng… Trong trường hợp, đơn vị thi công không thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định, để xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu người tham gia giao thông đi trên tuyến đường đang thi công bị tai nạn do lỗi của đơn vị thi công, không làm hết trách nhiệm cần thiết để đảm bảo an toàn cho người đi qua lại thì trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công. Đơn vị thi công phải bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn. Trường hợp người bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong thì cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý thi công trực tiếp có thể bị khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội cản trở giao thông đường bộ, còn nhà thầu thi công sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân.
Cụ thể, đơn vị thi công không thực hiện bảo đảm quy định về việc rào chắn, bố trí báo hiệu để gây ra thiệt hại về tính mạng phải có trách nhiệm bồi thường về dân sự. Cụ thể, theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm: Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trường hợp người bị tai nạn cũng có lỗi trong việc điều khiển phương tiện giao thông, do thiếu quan sát hoặc có thể sử dụng rượu bia trong quá trình điều khiển phương tiện dẫn đến tai nạn thì sẽ xem xét chia tỷ lệ lỗi giữa các bên để xác định được mức bồi thường.
Luật sư THỊNH ĐÌNH QUANG
(Hội Luật gia tỉnh)
|
CÓ THỂ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, theo quy định pháp luật trong suốt quá trình thi công công trình trên đường bộ đang khai thác, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đúng biện pháp, thời gian thi công đã được thống nhất, phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định và không được gây hư hại các công trình đường bộ hiện có. Đồng thời, chịu mọi trách nhiệm về sự mất ATGT do thi công gây ra. Để xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Theo đó, trong thời gian thi công phải có người cảnh giới, hướng dẫn giao thông; khi ngừng thi công phải có báo hiệu an toàn theo quy định như: biển chỉ dẫn, cờ và đèn đỏ vào ban đêm. Ở hai đầu đoạn đường thi công ghi rõ tên của cơ quan quản lý dự án hoặc chủ quản; tên đơn vị thi công, lịch trình thi công, địa chỉ văn phòng công trường, số điện thoại liên hệ và tên của người chỉ huy trưởng công trường…
Trong trường hợp đang thi công trình trên đường nhưng không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn, gây thiệt hại tính mạng cho người đi đường thì đơn vị thi công công trình đó phải chịu toàn bộ trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Trường hợp tai nạn giao thông dẫn đến tử vong, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý thi công trực tiếp có thể sẽ bị khởi tố về tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 261, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Riêng, đơn vị thi công không thực hiện đảm bảo quy định về việc rào chắn, bố trí báo hiệu để gây ra thiệt hại về tính mạng phải có trách nhiệm bồi thường về dân sự. Cụ thể, theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.
Theo Luật sư Thịnh Đình Quang, những vụ tai nạn chết người đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần thắt chặt hơn công tác quản lý hoạt động xây dựng, thi công trình trên đường, đặc biệt là vấn đề về an toàn lao động, ATGT. Các quy định về bảo đảm an toàn trong thi công, trong xây dựng đều đã có đầy đủ. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện thanh tra thường xuyên và kịp thời phát hiện những vi phạm để tiến hành xử phạt. “Nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản mà nguyên nhân xuất phát từ việc thi công các công trình trên đường không bảo đảm ATGT cho thấy, công tác này cần được các ngành chức năng siết chặt hơn nữa đối với việc quản lý, kiểm tra, giám sát và kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”, Luật sư Quang bày tỏ quan điểm.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG