Thời gian qua, tòa án nhân dân (TAND) các cấp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự nhằm hạn chế oan sai. Qua đó góp phần giữ vững an ninh trật tự, nâng cao niềm tin trong nhân dân.
Xét xử lưu động góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. |
Hoạt động tội phạm, nhất là tội phạm hình sự trên địa bàn tỉnh thời gian qua có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, gây hoang mang trong dư luận. Điển hình như vụ: Cậu, mẹ ruột chăn dắt con, cháu đi ăn xin; vụ Phạm Quang Bình (TX. Phú Mỹ) lừa đảo, chiếm đoạt hơn 160 tỷ đồng; vụ lừa đảo hơn 223 tỷ đồng tại Công ty Sao Vàng; Vụ hiếp dâm, sát hại bé gái 5 tuổi (phường Long Tâm, TP. Bà Rịa)…
Việc xét xử các vụ án hình sự nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm được TAND 2 cấp coi là nhiệm vụ hàng đầu. Vì vậy trong công tác xét xử, TAND 2 cấp đã phối hợp chặt chẽ với những cơ quan tố tụng, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án hình sự. Việc làm này nhằm bảo đảm mọi phán quyết của tòa án đều đúng pháp luật, không để xảy ra kết án oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Trong năm 2020, TAND 2 cấp đã thụ lý 1.500 vụ với 2.567 bị cáo, tăng 124 vụ so với năm 2019. Riêng từ đầu năm đến nay, TAND 2 cấp đã thụ lý giải quyết hơn 500 vụ án hình sự. Trong đó, TAND cấp huyện thụ lý theo thủ tục sơ thẩm gần 500 vụ, TAND tỉnh thụ lý hơn 50 vụ. Trong đó, nhiều vụ án nghiêm trọng thu hút sự quan tâm của dư luận. Chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được bảo đảm. Không có vụ án nào bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan.
Ông Đào Trọng Hải, Chánh án TAND huyện Châu Đức cho biết, một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công trong xét xử án là con người. Do vậy, TAND huyện Châu Đức rất coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh cho đội ngũ thẩm phán và thư ký trong công tác xét xử các vụ án. Các thẩm phán và hội thẩm nhân dân luôn bảo đảm tính độc lập và tuân thủ pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ xét xử cho đội ngũ thẩm phán, thư ký cũng được quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời kỳ mới. “Việc nâng cao chất lượng xử án sẽ góp phần hạn chế oan sai và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Đào Trọng Hải nói.
Tương tự, trong các phiên xét xử, TAND tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tranh tụng tại tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Việc đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa được triển khai sâu rộng trong tất cả các phiên tòa xét xử những vụ án hình sự, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng là viện KSND và công an bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Một số trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật. Các vụ án trọng điểm, phức tạp được dư luận quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời.
Ông Trần Văn Vui, Chánh án TAND tỉnh cho biết, để nâng cao chất lượng xét xử, thời gian qua, TAND tỉnh phối hợp với VKSND tỉnh tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động các vụ án hình sự, với các tội danh như: giết người, cố ý gây thương tích, mua bán trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, mua bán người… tại địa phương nơi xảy ra vụ án và các địa bàn trọng điểm về tội phạm. Qua các phiên tòa xét xử lưu động đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Ngoài ra, các thẩm phán đã thực hiện nghiêm việc đăng bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật lên cổng thông tin điện tử của tòa án. Việc công bố này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ dư luận, giúp người dân tiếp cận, giám sát, đánh giá các phán xét của tòa án, đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thẩm phán trước phán quyết nhân danh Nhà nước. “Thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án, nhất là các vụ án hình sự nghiêm trọng. Sau mỗi phiên tòa, chánh án TAND chỉ đạo tổ chức ngay phiên họp rút kinh nghiệm với sự tham gia của thẩm phán và kiểm sát viên. Thông qua hoạt động này, các thẩm phán, kiểm sát viên đã trao đổi, học hỏi kỹ năng xử lý tình huống, điều hành phiên tòa để chất lượng xử án đạt hiệu quả cao”, ông Trần Văn Vui thông tin thêm.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG