Không thu hồi đồng loạt sổ hộ khẩu

Thứ Ba, 06/04/2021, 16:28 [GMT+7]
In bài này
.

 

Dữ liệu công dân sẽ được tích hợp vào thẻ CCCD gắn chíp.  Trong ảnh: Công an huyện Đất Đỏ làm CCCD gắn chíp cho người dân.
Thượng tá Đinh Văn Bình

Qua đường dây nóng Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều bạn đọc thắc mắc về việc sau khi người dân thay đổi thông tin về cư trú, cơ quan chức năng sẽ thu hồi sổ hộ khẩu và cập nhật thông tin mới vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia như thế nào. Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã trao đổi với Thượng tá Đinh Văn Bình, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính và trật tự xã hội (PC06)-Công an tỉnh xung quanh nội dung này.

 Phóng viên: Thưa Thượng tá, khi Luật Cư trú có hiệu từ ngày 1/7/2021 tới, việc thu hồi sổ hộ khẩu của người dân sẽ được tiến hành như thế nào?

- Thượng tá Đinh Văn Bình: Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật này là khi người dân có thay đổi thông tin về cư trú, cơ quan công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu và không cấp mới, cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Cụ thể, từ ngày 1/7 sẽ bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu. Những sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp trước đây vẫn được sử dụng và có giá trị đến hết ngày 31/12/2022. Nếu thông tin trong các sổ đã cấp khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú sẽ thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, đồng thời điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú năm 2020 và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

 Nhiều bạn đọc thắc mắc: Khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, sổ hộ khẩu có bị thu hồi đồng loạt không, thưa Thượng tá?

- Chỉ những trường hợp có thay đổi, cập nhật thông tin mới phải thu hồi sổ hộ khẩu đã cấp, chứ không phải thu hồi đồng loạt. Cơ quan công an chỉ thu sổ hộ khẩu khi người dân đến làm các thủ tục về đăng ký cư trú và thấy các thông tin không chính xác, chứ không phải người dân tự nguyện mang sổ đến nộp. Ví dụ: ông A có hộ khẩu ở huyện B. Khi ông A đến đăng ký chuyển sang một địa chỉ khác, thông tin trong sổ hộ khẩu về nơi thường trú đã thay đổi nên trong quá trình làm thủ tục, công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu đó.

Sau khi thu hồi sổ hộ khẩu, người dân đi làm thủ tục hành chính sẽ không bị ảnh hưởng gì vì mọi thông tin cá nhân đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ quan chức năng sẽ sử dụng thông tin trên Cơ sở dữ liệu này. Bộ Công an đang xây dựng các văn bản báo cáo với Chính phủ về việc công dân được quyền khai thác thông tin của mình từ cơ sở dữ liệu cư trú thông qua mã số định danh cá nhân của họ. Người dân có mã số định danh cá nhân thì khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu cư trú thông qua mã số định danh đó và có thể khai thác trên cổng thông tin dịch vụ công.

Dữ liệu công dân sẽ được tích hợp vào thẻ CCCD gắn chíp.  Trong ảnh: Công an huyện Đất Đỏ làm CCCD gắn chíp cho người dân.
Dữ liệu công dân sẽ được tích hợp vào thẻ CCCD gắn chíp. Trong ảnh: Công an huyện Đất Đỏ làm CCCD gắn chíp cho người dân.

 Thượng tá có thể nói rõ hơn công tác quản lý Nhà nước sau khi bỏ sổ hộ khẩu và việc làm thủ tục tuyển sinh cho HS có thay đổi gì không?

- Luật Cư trú năm 2020 quy định thay thế việc đăng ký, quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý bằng công nghệ thông tin. Theo đó, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, làm công tác đăng ký, quản lý cư trú sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân (số căn cước công dân gắn chíp) để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Việc đổi mới phương thức quản lý này giúp người dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng.

Đến ngày 1/7/2021, Bộ Công an sẽ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giai đoạn 2. Hệ thống này sẽ tập hợp thông tin cơ bản như họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện tại, số định danh cá nhân của tất cả công dân Việt Nam. Do đó, từ ngày 1/7 người dân có thể không cần cầm sổ hộ khẩu giấy đi giao dịch. Thậm chí, người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến.

Việc làm thủ tục tuyển sinh, nhập học cho HS không có gì thay đổi vì toàn bộ thông tin của công dân đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu cơ quan, đơn vị tuyển sinh cần thông tin thì liên hệ với cơ quan có thẩm quyền cung cấp danh sách của người được tuyển sinh.

 Xin cảm ơn Thượng tá về cuộc trao đổi này!

TRÍ NHÂN (Thực hiện)

;
.