Đội Cảnh sát điều tra Tổng hợp Công an TP. Vũng Tàu vừa tiếp nhận thông tin tố cáo của một nạn nhân về việc bị đối tượng tội phạm dùng thủ đoạn lừa đảo qua Zalo để chiếm đoạt số tiền 170 triệu đồng. Đây là thủ đoạn lừa đảo mới nên người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác.
Một trong những mặt hàng chị H. đặt mua từ đối tượng lừa đảo, và số hàng này mãi mãi không bao giờ đến tay. |
Theo trình bày của nạn nhân là chị H. (ngụ tại tỉnh Phú Thọ, làm nghề bán mỹ phẩm online), ngày 14/3 chị H có nhận được đề nghị kết bạn qua tài khoản Zalo “Chuyên mỹ phẩm”. Sau khi đồng ý kết bạn, tài khoản này giới thiệu đang kinh doanh các loại sản phẩm mà chị H. đang bán với giá rẻ hơn. Sau một vài thông tin trao đổi qua lại, chị H. đặt mua của “Chuyên mỹ phẩm” số lượng lớn mỹ phẩm, gồm: 6 thùng sữa tắm Hana; 10 thùng dầu gội Hana; 100 chai xịt tan mỡ TLUS; 200 cao gừng thiên nhiên…, với tổng số tiền 170 triệu đồng. Người có zalo “Chuyên mỹ phẩm” yêu cầu chị H. chuyển khoản (CK) trước số tiền này và cho biết hàng sẽ được gửi ô tô đến cho chị H. ngay sau đó.
Cùng thời điểm trên, Zalo “Chuyên mỹ phẩm” đã liên hệ với một cửa hàng bán điện thoại di động tại TP. Vũng Tàu đặt mua 5 điện thoại Iphone 12 Pro max; 1 Iphone 11 Pro và 3 xạc điện thoại với giá 170 triệu đồng. Phương thức thanh toán là chuyển tiền qua tài khoản, còn số hàng gửi ô tô ra Phan Thiết theo yêu cầu của đối tượng.
Sau khi thỏa thuận xong với cửa hàng bán ĐTDĐ ở Vũng Tàu, “Chuyên mỹ phẩm” đề nghị chị H. chuyển khoản số tiền 170 triệu đồng thanh toán cho số mỹ phẩm chị đặt mua vào tài khoản của cửa hàng bán ĐTDĐ ở TP. Vũng Tàu. Ngay khi nhận được tiền, cửa hàng này đã gửi toàn bộ số điện thoại mà “Chuyên mỹ phẩm” đã đặt mua theo xe ra Phan Thiết, giao cho đối tượng.
Còn chị H., sau khi chuyển tiền, chờ mãi vẫn không nhận được hàng theo lời hẹn, chị H. liên hệ lại tài khoản “Chuyên mỹ phẩm” để hỏi nhưng bị cắt liên lạc. Hiểu ra là mình đã bị rơi vào bẫy của bọn lừa đảo, chị H. đã đến Công an TP.Vũng Tàu trình báo và nhờ giúp đỡ.
Thời gian qua, trên địa bàn TP.Vũng Tàu cũng đã xảy ra một số trường hợp các đối tượng sử dụng công nghệ để “hack” và chiếm quyền sử dụng tài khoản xã hội Facebook, Messenger rồi đóng giả chủ tài khoản. Sau đó, chúng viện ra những lý do cấp thiết để lừa người thân, bạn bè của bị hại chuyển tiền gấp hoặc nạp thẻ cào điện thoại để chiếm đoạt. Đây là một phương thức được sử dụng khá phổ biến và rất nhiều nạn nhân đã bị lừa với thủ đoạn này. Cụ thể, các đối tượng giả danh là cán bộ ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để điện thoại, chụp hình các Quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng rồi gửi qua mạng xã hội để thông báo cho bị hại biết họ có liên quan đến đường dây tội phạm (ma túy, rửa tiền, buôn lậu...). Bị hại muốn chứng minh mình không liên quan đến vụ án thì phải chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng cung cấp để điều tra, xác minh để không bị bắt giam. Sau đó, các đối tượng này sử dụng chứng minh nhân dân giả để làm thẻ ATM, hay sử dụng sim điện thoại rác, tài khoản Facebook, Messenger ảo để liên lạc và cung cấp số tài khoản ngân hàng để bị hại chuyển tiền rồi chiếm đoạt .
Tuy nhiên, qua vụ việc mà chị H. vừa trình báo, theo Công an TP. Vũng Tàu đây là một thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng phạm tội. Do vậy, người dân cần đề cao cảnh giác, tránh để trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo. Để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, cơ quan công an khuyến cáo người dân không nên công khai các thông tin cá nhân như: tên tuổi, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ cư trú, số điện thoại... của mình lên mạng xã hội, không cung cấp mật khẩu, tài khoản cá nhân cho người khác; khi sử dụng facebook, zalo phải cảnh giác những tài khoản lạ, tài khoản là người nước ngoài khi họ chủ động kết bạn, không chuyển tiền cho người khác khi chưa kiểm tra, xác thực thông tin chính xác của người được nhận, đặc biệt là các trường hợp chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại, mua bán hàng online. Bên cạnh đó, người dân cần thông tin, tố giác kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện tội phạm lừa đảo qua mạng.
Bài, ảnh: AN BÌNH